Kinh tế

Biến động mạnh, ngân hàng lớn thay cả dàn lãnh đạo

Biến động nhân sự ngân hàng vẫn diễn ra mạnh mẽ ở vào thời kỳ mà quá trình tái cơ cầu lần một đã hoàn thành. Dàn lãnh đạo ở nhiều ngân hàng vẫn chưa ổn định cho dù các tổ chức liên tục báo lãi lớn.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank (CTG) vừa công bố thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) miễn nhiệm người đại điện 40% phần vốn Nhà nước tại Vietinbank đối với ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng để thực hiện việc luân chuyển cán bộ.

Ông Nguyễn Văn Thắng được điều động và bổ nhiệm làm phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh.

Với quyết định này, ông Nguyễn Văn Thắng đương nhiên không còn là thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Vietinbank trở thành ngân hàng thứ 2 trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện bỏ trống chiếc ghế chủ tịch.

Hiện tại, một ngân hàng lớn khác cũng chưa bổ nhiệm được người đứng đầu là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu vào tháng 9/2016 tới nay.

BIDV gần đây giao ông Bùi Quang Tiên phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT ngân hàng BIDV thay cho ông Trần Anh Tuấn thôi nhiệm vụ này.

Hồi cuối tháng 6, sau khi Thành ủy TP.HCM thoái vốn Saigonbank, ông Phạm Văn Thông rời ghế Chủ tịch sau một năm gắn bó. Ông Vũ Quang Lãm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Saigonbank, thôi giữ chức Tổng giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 thay cho ông Thông.

Gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, nhiều mã giảm 40-50% sau khi TTCK điều chỉnh giảm liên tục trong hơn 3 tháng. Ở mức giá này, nhiều mã cổ phiếu được đánh giá là đã bắt đầu hấp dẫn do triển vọng kinh doanh quý 2 được dự báo khá sáng sủa. Theo dự báo của HSC, phần lớn các ngân hàng sẽ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 50% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng tín dụng giảm tốc và hoạt động cho vay đối với bất động sản chững lãi khi mà rủi ro tăng cao và quy định giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% tối đa vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, tình trạng chưa ổn định về dàn nhân sự cao cấp tại một số ngân hàng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Trong vài năm gần đây, NHNN liên tục siết nhân sự cấp cao ở các ngân hàng nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng hoạt động một cách an toàn và lành mạnh hơn sau một thời gian dài hệ thống ở trong tình trạng tiềm ẩn nhiều trục trặc và rủi ro.

NHNN thắt chặt các quy định liên quan tới tỷ lệ sở hữu của tổ chức và cá nhân cũng như lãnh đạo các ngân hàng. Theo đó, đại diện nhóm cổ đông siêu lớn cũng chưa chắc đã được phê duyệt vào HĐQT, Tổng giám đốc...

Trong đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lần một, nhiều ngân hàng đã thay đổi cả dàn lãnh đạo cao cấp, như trong trường hợp tại DongABank (Trần Phương Bình), Sacombank (Trầm Bê), VNCB (Phạm Công Danh), OceanBank (Hà Văn Thắm), ACB, Agribank...

Đối với nhóm ngân hàng lớn, làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp tại các ngân hàng này đã diễn ra lần một từ 2014 theo quá trình tái cấu trúc của hệ thống. Hàng loạt động thái cơ cấu đã đem lại các kết quả và triển vọng tích cực cho các ngân hàng này.

Kết quả những năm qua cho thấy, nhiều ngân hàng đã có chuyển biến tích cực. Agribank chứng kiến tăng trưởng tín dụng cao, nợ xấu giảm. Vietcombank chứng kiến tài sản tăng vọt, còn VietinBank khá tích cực xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì dưới 3%...

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp diễn. Trong đó, việc lựa chọn lãnh đạo phù hợp cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng hàng đầu, có ảnh hưởng lớn tới hệ thống là rất quan trọng.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok