Trong một bài bình luận trên tờ Huffington Post, cây viết Andrew Lam cho rằng ngoài những yếu tố dẫn đầu khác về đối ngoại, vấn đề Biển Đông cũng được coi là một yếu tố then chốt quyết định ai sẽ trở thành người đứng đầu nước Mỹ vào năm 2017.
Sự bành trướng của Trung Quốc từ nhiều năm nay trên Biển Đông đã xâm lấn lợi ích hợp pháp của nhiều quốc gia trong khu vực. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hôm 12/7 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" phi lý nuốt trọn Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra.
Quyết định của PCA đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn bất chấp dư luận, tiếp tục có những động thái khiêu khích và gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
Huffington Post khái quát rằng, không chỉ dư luận phản đối trong nước, cộng đồng người Philippines và người Việt ở Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với những động thái ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây là hai trong số ít cộng đồng có số lượng người lớn và có tiếng nói ở Mỹ. Đối với Hillary Clinton, đây có thể là chìa khóa giúp bà có được cơ hội lớn trong cuộc bầu cử cuối cùng vào tháng 11 tới, nhà báo Andrew Lam nhận định.
Hillary Clinton sẽ tiếp bước chính sách xoay trục châu Á của ông Obama
"Tương lai chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, không phải Afghanistan hay Iraq", bà Clinton từng viết trên tạp chí Foreign Policy vào năm 2011 như một tiếng nói ủng hộ cho chính sách xoay trục về châu Á của Tổng thống Obama.
Trong khi tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông đã phần nào làm xao nhãng "trục châu Á" của ông Obama, các nhà phân tích tin rằng một khi trở thành Tổng thống, bà Clinton sẽ một lần nữa tìm cách khôi phục lại sự ưu tiên đối với khu vực này.
Với sự đe dọa của Trung Quốc tới sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương, cử tri người Philippines và người Việt coi đó là một vấn đề mà họ sẵn sàng bỏ phiếu cho bất kỳ ai đem lại những lợi ích cho quốc gia của mình bên cạnh những lợi ích mà họ nhận được bên trong nước Mỹ, Huffington Post nhận định.
Mặc dù không có số lượng cử tri lớn giống một số cộng đồng khác như người Latinh hay gốc Phi, thế nhưng điều đó không phải quá quan trọng khi một vài trăm phiếu cử tri cũng có thể hoàn toàn làm thay đổi quỹ đạo của một quốc gia.
Bang Florida trong cuộc bầu cử năm 2000 là một ví dụ khi đã góp phần mở ra nhiệm kỳ cho Tổng thống Bush nhờ 536 phiếu bầu.
Ngày nay, tổng số người Việt và Philippines ở bang này dao động khoảng 200.000 dân. Tại Nevada, người Philippines lên đến con số 120.000. Và ở Georgia, hai cộng đồng này có khoảng 80.000 người. Với số lượng lớn như vậy có lý do để thấy được rằng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ phải xếp hàng nhằm lấy lòng các cử tri gốc Á.
Tuy nhiên, cơ hội sẽ đến với đảng Dân chủ nhiều hơn khi tỷ phú Trump - ứng viên của đảng Cộng hòa gần đây đã có những lời khiếm nhã đối với Philippines khi gọi nước này là một trong “những quốc gia khủng bố”.
Các chiến lược gia đảng Dân chủ từ lâu luôn coi người Mỹ gốc Á là phương án "để dành" tốt nhất cho khối cử tri người Latinh và người gốc Phi.
Tình hình cũng khả quan hơn khi khảo sát của APIA Vote cho thấy cử tri Mỹ gốc Á ủng hộ bà Clinton với tỷ lệ lên đến 62% đồng thời tỷ lệ phản đối ông Trump cũng lên tới con số 61%.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng chỉ có 23% người gốc Philippines và 22% người gốc Việt đứng về phía tỷ phú Donald Trump.
Theo Huffington Post, nhờ chính sách cứng rắn của bà Clinton đối với Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng người gốc Việt có thể sẽ quay sang bỏ phiếu cho đảng Dân chủ sau nhiều năm ủng hộ đảng Cộng hòa.
Để giành thắng lợi, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ cần khôn khéo trong việc chấp nhận những lợi ích cho khối cử tri này và cho họ thấy rằng Trump lên nắm quyền sẽ gây nên sự chia rẽ đối với nước Mỹ, tạo ra cơ hội cho Trung Quốc và Nga vươn lên vượt mặt.
Giới phân tích quân sự nhận định, một lời hứa đảm bảo sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông có thể là chìa khóa thúc đẩy các cử tri gốc Á mở ra cánh cửa đưa bà Hillary Clinton trở thành bà chủ Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Tác giả bài viết: Minh Vũ