Phiên tòa xét xử đại án Oceanbank hôm nay tiếp tục với phần thẩm vấn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceanbank) trình bày kháng cáo kêu oan với lập luận, bị cáo không có chức vụ quyền hạn nên không tham ô, bản chất của vụ án là hành vi chi lãi ngoài, bị cáo cùng một hành vi nhưng lại bị quy kết 3 tội danh là không đúng.
Hơn nữa bị cáo đã khai ra tên, địa chỉ cá nhân nhận tiền từ bị cáo nên không thể quy kết bị cáo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa phúc thẩm |
HĐXX thẩm vấn: Bị cáo khó chứng minh tiền Hà Văn Thắm đưa đã được bị cáo chuyển cho đúng địa chỉ. Nhưng xem ra chỗ này bị cáo hơi quanh co. Tiền đó không phải chi hết cho khách hàng mà bị cáo còn phải đi tiếp lãnh đạo nọ kia, chi phí việc này việc khác, bị cáo có đủ bản lĩnh liệt kê hết để chứng minh với Thắm rằng - anh tin tưởng tôi hoàn toàn là đúng không?
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đáp: Bị cáo chứng minh được khoản tiền đưa cho ai. Bị cáo làm việc trên cơ sở, cái nào có bằng chứng thì bị cáo nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã khai hết, không quanh co. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo khai rõ chi tiền cho ai, điều kiện, thời gian, hoàn cảnh nào.
Trả lời câu hỏi, tại sao lại là lời khai sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sơn trình bày: Sau phiên tòa sơ thẩm, HĐXX có kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ bị cáo đã chi tiền cho những ai nên bị cáo đã khai rõ, đầy đủ, chi tiết, bất kể đó là ai. "Bị cáo khai trong tình trạng bị cáo bị tuyên án tử hình rồi", lời bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Băn khoăn của Hà Văn Thắm
Theo bản án sơ thẩm, trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ Oceanbank có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng là hơn 49 tỷ đồng. Bị cáo Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này; nên hành vi của Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
Hà Văn Thắm tại phiên tòa phúc thẩm. |
Đây là số tiền được xác định là do Sơn đã tham ô; đó là khoản tiền thuộc sở hữu Nhà nước do PVN đại diện quản lý, PVN có yêu cầu được nhận lại nên HĐXX buộc Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn số tiền này cho PVN.
Hà Văn Thắm chấp thuận yêu cầu đòi chi tiền của Sơn, chỉ đạo thực hiện lấy tiền từ Oceanbank để chi cho Sơn, để Sơn chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng là đã đồng phạm giúp sức cho hành vi tham ô tài sản nêu trên của Nguyễn Xuân Sơn.
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm, Hà Văn Thắm cho rằng: Nếu bản án sơ thẩm xác định PVN được đền bù thì các cổ đông khác cũng phải được đền bù.
Bị cáo sở hữu hơn 62% cổ phần ở Oceanbank, nếu các cổ đông cũng được đền bù thì bị cáo sẽ được nhận khoảng 1.000 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại. Nhưng bị cáo cho rằng thiệt hại là Oceanbank thiệt hại chứ không phải cổ đông của Oceanbank bị thiệt hại.
Vẫn theo bị cáo Thắm, tiền chi để chăm sóc khách hàng là không thiệt hại vì nó làm lợi cho Oceanbank. Nhưng đưa tiền để chi cho khách hàng mà người cầm tiền số tiền này lại "đút túi" thì đó là thiệt hại.
Oceanbank đã chi cho 51.000 người là khách hàng cá nhân. Có đầy đủ chứng cứ để hạch toán cho Oceanbank, có đầy đủ địa chỉ khách hàng. Oceanbank đang thu lại số tiền này thì lại có ý kiến dừng việc này.
"Chi lãi ngoài là chi sai nhưng chỉ là thiệt hại phi vật chất. Nhưng nếu HĐXX quyết là thiệt hại thì vẫn có thể thu hồi 66 tỷ đồng này. Có thể đòi được những khách hàng này.
Như anh Nguyễn Hồng Quân (nguyên Giám đốc Oceanbank, chi nhánh Cà Mau) đã thu lại 100% tiền đã chi lãi ngoài. Nếu tuyên bị cáo phải bồi hoàn thiệt hại là tiền chi lãi ngoài, thì những người đã trả lại tiền chăm sóc khách hàng sẽ thấy không công bằng, họ đòi lại số tiền đó thì sao", lời bị cáo Thắm.
Vẫn theo Hà Văn Thắm, bị cáo không nhận được thông báo của NHNN về việc Oceanbank bị mua 0 đồng dù anh ta có tư cách chủ sở hữu nắm giữ hơn 60% cổ phần tại Oceanbank. Oceanbank bị mua bắt buộc, Thắm không còn tài sản ở Oceanbank, bị cáo đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm làm rõ quan hệ pháp luật về việc mua 0 đồng của NHNN.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet