Trong nước

Bí thư không phải người địa phương: Tránh tình trạng bị cô lập

Cần có cơ chế đối với Bí thư không phải người địa phương để tránh tình trạng bị cán bộ địa phương kéo bè cánh bao vây cô lập, các nhóm lợi ích thi nhau tranh thủ

Chủ trương Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương đã nhận được sự đồng tình ủng hộ tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Chủ trương này được coi là bước đột phá trong công tác cán bộ, giúp công tác này khách quan hơn, giảm thiên vị, chạy chức chạy quyền.

Chia sẻ quan điểm về chủ trương này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, ông cũng ủng hộ bởi đây là một chủ trương đúng nhưng cần có tổng kết xem mức độ hiệu quả đến đâu và việc triển khai đó có những khó khăn, vướng mắc gì, nên tiếp tục hay bỏ, hoặc có giải pháp để tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, cần thiết của chủ trương đó trong thực tiễn, thậm chí nếu cần phải thể chế hóa thành các quy định của pháp luật.

ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Bình Cận)

PV: Ông có cho rằng thực hiện chủ trương Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương, có thể hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, chủ trương này chỉ góp phần chứ không giải quyết được triệt để nạn chạy chức chạy quyền.

Thực tế, theo tôi, chúng ta mới chỉ xem xét trên cơ sở của việc đánh giá cán bộ và phân công cán bộ làm Bí thư của một số địa phương theo phương pháp luân chuyển đồng thời để giải quyết một số vướng mắc trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về công tác Đảng ở một số địa phương xảy ra tình trạng mất đoàn kết hoặc có vấn đề khúc mắc trong công tác lãnh đạo và trong công tác cán bộ ở địa phương đó.

Việc đưa một số cán bộ về làm Bí thư một số tỉnh thời gian qua còn nhằm mục đích giúp cho số cán bộ trong diện luân chuyển có điều kiện phát triển đồng thời tiếp cận với hoạt động của địa phương nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn để phát triển Trung ương.

Tất cả những việc chúng ta đã làm thời gian qua, theo tôi, chưa nhằm mục tiêu của Đề án hiện nay. Vì vậy, ở khía cạnh nào đó, có thể nói, chúng ta cũng chưa có sự tổng kết là việc điều động hay bố trí một cán bộ không thuộc địa phương đó về làm Bí thư cấp ủy, có đảm bảo giải quyết được bài toán hạn chế hay ngăn chặn được nạn chạy chức chạy quyền, hạn chế tình trạng đưa công tác cán bộ trở thành vấn đề thiếu khách quan hay không.

Ngăn chặn tình trạng cán bộ địa phương kéo bè cánh bao vây cô lập

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần phải thực hiện thí điểm chủ trương này trong một thời gian nhất định, sau đó tổng kết lại?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Việc Trung ương đưa vào Hội nghị lần này để bàn, xem xét quyết định đối với chủ trương này, về phương diện nào đó, tôi tán thành. Tuy nhiên, theo tôi, cần khoảng 2-3 năm thậm chí 5 năm để có tổng kết đối với chủ trương này. Chúng ta chưa vội xem xét việc này và cũng chưa nên khẳng định nó sẽ chống được tình trạng chạy chức chạy quyền. Đây là một chủ trương đúng nhưng hiệu quả đến đâu còn phải chờ tổng kết. Đảng ta luôn rất thận trọng đối với bất kỳ chủ trương nào, dù là chủ trương đúng vẫn cần phải có sơ kết, tổng kết xem mức độ hiệu quả đến đâu và việc triển khai đó có những khó khăn, vướng mắc gì, nên tiếp tục hay bỏ, hoặc có giải pháp để tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, cần thiết của chủ trương đó trong thực tiễn, thậm chí nếu cần phải thể chế hóa thành các quy định của pháp luật.

Chúng ta đã từng có những chủ trương dù đúng nhưng vẫn phải dừng lại, ví như chủ trương nghiên cứu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố; hay nghiên cứu chuyển cơ quan thi hành án sang Bộ Tư pháp. Có thể những chủ trương này sẽ được thực hiện ở một thời điểm khác.

Tôi rất mong với chủ trương này, Trung ương sẽ đề ra một lộ trình để thực hiện. Làm Bí thư Tỉnh ủy là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi cán bộ không chỉ có hiểu biết rộng về địa phương, về văn hóa, về con người, điều kiện kinh tế-xã hội mà cần có bản lĩnh để đứng đầu, lãnh đạo một địa phương hiệu quả. Đây là vấn đề cần phải xem xét thấu đáo, chứ không thể làm một cách đại trà. Tôi ủng hộ chủ trương này nhưng cần thận trọng bởi nó không chỉ liên quan đến bản thân cán bộ được đưa về địa phương mà còn liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội, công tác cán bộ, tâm lý, tư tưởng, chính trị của cán bộ, nhân dân ở địa phương tiếp nhận.

Theo tôi cần có một hướng dẫn cụ thể để triển khai, có quy trình rõ ràng, đảm bảo cán bộ về địa phương phải thuận lợi, tạo được sự đồng thuận của cả người đến lẫn cán bộ và nhân dân địa phương. Đồng thời cũng phải có cơ chế để cán bộ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, tìm hiểu một cách sâu sắc, mới đưa ra được những quyết sách đúng, trúng; tránh hiện tượng “chân ướt chân ráo”, chưa hiểu sâu đã chỉ đạo; hay tình trạng bị cán bộ địa phương kéo bè cánh bao vây cô lập, các nhóm lợi ích thi nhau tranh thủ, trong cuộc họp thì bằng mặt nhưng không bằng lòng, vô hình vị Bí thư bị biến thành một “ốc đảo”, còn công tác chỉ đạo, lãnh đạo không hiệu quả.

Bên cạnh đó cũng phải chuẩn bị hành trang để rút cán bộ đó trong những điều kiện nhất định, đảm bảo không bị mất cán bộ, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương này.

PV: Ông có đề xuất gì với việc tuyển chọn người làm Bí thư, hay vẫn giữ cách cũ Ban Bí thư, Bộ Chính trị sắp xếp, bố trí?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi ủng hộ phương pháp sơ tuyển và thành lập một hội đồng sơ tuyển. Trước đây, chúng ta cần tối thiểu 2 ứng viên khi bổ nhiệm một vị trí, nhưng với chủ trương này, chúng ta cần tối thiểu 3 ứng viên để chọn ra 1, anh không làm ở địa phương này có thể làm ở địa phương khác. Hội đồng sơ tuyển phải do Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo trực tiếp và ra quyết định thành lập, trong đó có cả thành viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thành viên các ban đảng, Chính phủ, kể cả Quốc hội và một số thành phần của cấp ủy, chính quyền, mặt trận ở địa phương để cùng xem xét.

Làm như thế sẽ tạo sự đồng thuận ngay từ ban đầu. Chúng ta nên xem xét thay đổi cách làm cũ, chỉ xem xét một người cụ thể rồi đưa họ về. Thay vì thi tuyển như công chức hiện nay, chúng ta tiến hành sơ tuyển ở Trung ương và báo cáo ở Trung ương. Chúng ta có thể thí điểm hình thức này và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Loại bằng được người khoác vỏ bọc cán bộ chiến lược

PV: Ông từng nói quy trình bổ nhiệm cán bộ thường là không sai mà lỗi nằm ở khâu đầu vào, khâu tuyển lựa con người. Theo ông, cần lưu ý những yếu tố nào khi lựa chọn nhân sự cấp chiến lược?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Đề án lần này tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược, dư luận kỳ vọng những người được lựa chọn để làm ứng viên cán bộ cấp chiến lược phải là những người thực sự “vừa hồng vừa chuyên” theo đúng quan điểm của Bác Hồ, chứ không phải những người đã qua rất nhiều lần chạy chọt, hay nói như nhà báo Nhị Lê, tìm mọi cách để “lẻn vào”.

Có những trường hợp, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đánh giá dựa trên hồ sơ của cán bộ chứ có thể chưa có điều kiện tiếp cận, trực tiếp giao việc, thử thách các ứng viên. Vậy phải để cho cơ sở và đặc biệt là người dân đánh giá các ứng viên đó có thực sự đáp ứng yêu cầu cán bộ chiến lược hay không, hay chỉ là người tạo được vỏ bọc của cán bộ chiến lược, chứ thực sự không có phẩm chất, mà chỉ “nhảy trên vai”, “lẻn vào sau áo” những người khác để được đôn lên.

Đảng ta là Đảng của dân tộc thì cán bộ của Đảng phải rất cần có sự đánh giá chính thức của dân, của cán bộ đảng viên và những người đã từng lãnh đạo cũng như chịu sự lãnh đạo, quản lý của cán bộ này. Thậm chí phải đưa ra xem xét một cách rộng rãi, phải có cơ chế giống như việc lấy ý kiến đối với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội, đồng thời phải công khai những đánh giá đó; tránh hiện tượng chỉ giao cho một vài đại diện đánh giá.

Việc lựa chọn cán bộ nguồn vào Ban Chấp hành Trung ương không hề dễ dàng, nên không thể tùy tiện mỗi nơi làm một kiểu. Yêu cầu đó đòi hỏi Trung ương phải có hướng dẫn, phải giao cho Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thống nhất cơ chế để làm sao lấy được ý kiến của nhân dân; Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phải là cơ quan tích cực trong việc triển khai công tác chính trị tư tưởng.

Vấn đề mấu chốt trong cơ chế để lựa chọn và đánh giá một cán bộ đáp ứng được yêu cầu là phải có những tiêu chuẩn để dựa vào đó đánh giá: Thứ nhất phải là phẩm chất, phải quy định rõ phẩm chất bao gồm những yếu tố nào, kể cả tinh thần, thái độ, rồi quá trình rèn luyện… Thứ hai là tiêu chuẩn về năng lực, phải có bằng cấp phù hợp với lĩnh vực mình làm, không để hiện tượng người dân nói “hình như ủy viên Trung ương thì giao việc gì cũng được, làm Bộ trưởng Bộ nào cũng được, làm Bí thư tỉnh nào cũng được” thành sự thật. Một yếu tố rất quan trọng, theo tôi đó là hiểu biết về pháp luật, cán bộ lãnh đạo mà không hiểu luật pháp thì không thể lãnh đạo những người đang thi hành luật được.

Ngoài những tiêu chuẩn được quy định cụ thể, theo tôi cần lưu ý, nếu cán bộ đó đã vướng vào những sai phạm dù nhỏ liên quan đến vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, tham nhũng nhất định phải loại trừ ngay tránh tình trạng cứ cho vào để rồi sau này xử lý khiển trách là xong. Chúng ta đã để lọt lưới một số cán bộ như vậy, nhân dân không phục, không công nhận, những cán bộ như thế là thiếu liêm sỉ.

Phải nghiên cứu xây dựng phương thức để tổ chức đánh giá lấy ý kiến của nhân dân và của các cơ quan tổ chức và quan trọng nhất là phải công khai, tránh tình trạng ém nhẹm thông tin, đừng sử dụng quá nhiều khái niệm “mật”, đã là người lãnh đạo của dân thì phương thức phải được công khai để người dân được biết, được đóng góp ý kiến, đồng thời công khai cả kết quả đánh giá để có sự so sánh. Theo tôi đó là những yếu tố “cứng” để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét một cán bộ để sau này đỡ xảy ra tình trạng cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hay vi phạm pháp luật hoặc có tiềm năng vi phạm pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tác giả: Hà Thanh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok