Trong nước

Bí thư Đà Nẵng: 'Bây giờ ăn cái gì cũng sợ'

"Tôi mới có chuyến công tác nước ngoài về, ở bên đó cái yên tâm nhất là việc ăn uống. Còn ở nước mình, ngày nào cũng nghe tin thực phẩm bẩn", Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói.

Đăng đàn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, diễn ra sáng 11/8, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, đã bị nhiều đại biểu "truy" về vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Loay hoay cuộc chiến với thực phẩm bẩn

Đại biểu Trần Thắng Lợi cho rằng ở Đà Nẵng có núi, sông và biển nhưng vấn đề thực phẩm an toàn còn khá bức xúc. Mặc dù TP đã có Đề án trồng rau sạch nhưng dự án này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hải sản đánh bắt về nhưng không ai dám chắc nó không bị ngâm ướp hóa chất độc hại. "Sở NN&PTNT có giải pháp gì để cử tri cảm thấy yên tâm khi ăn uống", đại biểu Lợi đặt câu hỏi.

Ông Phú Ban thừa nhận, nhiều năm qua lãnh đạo TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp để "tuyên chiến" với thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thể yên tâm khi mới đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh dùng chất vàng ô để ngâm tẩm vào thực phẩm cho đẹp bán cho người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng kiểm tra hải sạn ở các chợ trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nghe ông Ban kể lại những vụ việc trên, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lập tức ngắt lời và yêu cầu ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lên giải trình về kế hoạch kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.

"Vấn đề an toàn thực phẩm rất lớn và liên quan đến nhiều cấp ngành nên anh Dũng phải trả lời xem mình đã làm được những gì. Những điều gì còn vướng mắc, chưa làm được. Với tư cách là Phó chủ tịch UBND TP, anh có thể nói với cử tri là mình đã yên tâm được bao nhiêu phần trăm về vấn đề an toàn thực phẩm", người đứng đầu TP Đà Nẵng yêu cầu.

Không dám chắc thực phẩm ở Đà Nẵng là sạch

Ông Dũng thừa nhận, hiện nay hầu hết thực phẩm ở Đà Nẵng phải nhập khẩu từ các địa phương khác. Đơn cử như nguồn rau, mỗi ngày toàn TP tiêu thụ khoảng 60 - 70 tấn nhưng nguồn thực phẩm này mới tự sản xuất được khoảng 9 tấn. Các cơ sở sản xuất và chế biến cũng mới cung ứng được 1/10 lượng thịt theo yêu cầu của thị trường.

"Như vậy, hơn 90% thực phẩm của chúng ta tiêu thụ hàng ngày đều phải nhập từ các địa phương khác. Trong khi đó, nhân lực còn mỏng nên việc kiểm tra giám sát thực phẩm đầu vào gặp nhiều khó khăn", ông Dũng thừa nhận.

Vị Phó chủ tịch này cũng phân tích, theo quy định của Luật thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ giao cho một cơ quan quản lý. Nhưng khi ban hành các nghị định thì có đến 3 "ông" quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, về sản xuất thì do Bộ NN&PTNT. Khi thực phẩm lưu thông thì do Bộ Công thương kiểm tra, giám sát. Còn khi đến tay người tiêu dùng lại do ngành Y tế chịu trách nhiệm. "Chính vì sự chồng chéo này nên vấn đề an toàn thực phẩm dù nói rất nhiều nhưng không quản lý nổi", ông Dũng nói.

Nghe vị Phó Chủ tịch phân tích, ông Xuân Anh lập tức yêu cầu: "Bây giờ anh nói với cử tri xem là mình làm cách nào để thực phẩm bẩn không có ở Đà Nẵng. Người dân có thể yên tâm bao nhiêu phần trăm về mức độ ăn toàn khi ăn uống".

Vị Phó chủ tịch ấp úng: "Bây giờ nếu nói yên tâm bao nhiêu phần trăm thì tôi cũng chịu. Nhưng tôi vẫn có lòng tin là vấn đề an toàn thực phẩm đang nằm trong tầm kiểm soát".

Phải đảm bảo cho người dân và du khách yên tâm ăn uống

Ông Xuân Anh nói tiếp: "Tôi mới có chuyến công tác nước ngoài về, ở bên đó cái yên tâm nhất là việc ăn uống. Còn ở nước mình, ngày nào cũng nghe tin thực phẩm bẩn. Bây giờ, ăn uống cái gì cũng sợ. Chúng ta phải cương quyết tuyên chiến với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn chứ không thể nói suông được".

Ông Xuân cũng quyết liệt: Cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng ta không chấp nhận đánh đổi sự phát triển kinh tế với vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện những cơ sở sản xuất kinh doanh dùng hóa chất độc hại để ngâm tẩm hóa chất thì xử lý nghiêm, đóng cửa không cho hoạt động".

Ông Dũng tiếp tục trình bày, trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng các vùng rau an toàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Đối với hải sản, các cơ quan chức năng sẽ xuống tận các cảng cá để lấy mẫu mang đi phân tích. "Nếu hải sản sản đánh bắt về không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, chúng tôi sẽ cương quyết không cho bán ra thị trường", ông Dũng nói.

Đối với các nhà hàng, khách sạn, vị Phó chủ tịch cho hay, TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch về việc xếp hạng cho những cơ sở đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm. Theo đó, những nhà hàng khách sạn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài việc bị xử phạt theo quy định cũng sẽ bị "bêu tên" lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Kết thúc phần trình bày trên, nhiều đại biểu đã vỗ tay biểu dương những cố gắng của vị Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông Xuân Anh vẫn căn dặn: "UBND TP chỉ đạo cho Sở Tài chính tiếp tục đầu tư thêm tiền cho ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm hoạt động, trang bị thêm máy móc và phương tiện. Đà Nẵng không nhiều tiền nhưng đầu tư cho việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì mình không tiếc".

Theo ông Xuân Anh, TP phải làm quyết liệt và đến cuối năm nay, khi ông Dũng đăng đàn thì phải nói được với cử tri là đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. "Bằng mọi giá phải đảm bảo cho người dân và du khách yên tâm khi ăn uống", bí thư Đà Nẵng cam kết.

Tác giả bài viết: Đoàn Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok