Xuất khẩu thủy hải sản của VN sẽ gặp khó sau khi bị EU rút "thẻ vàng" - Ảnh: T.T.D. |
Với việc bị rút "thẻ vàng", các lô hàng thủy sản Việt Nam xuất sang EU thời gian tới không chỉ bị kiểm tra nghiêm ngặt với chi phí phát sinh khá lớn mà còn có nguy cơ bị trả về rất cao.
Khó khăn chồng chất, chi phí chất chồng
Bà Phan Thị Minh Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thạnh (Hậu Giang), cho rằng việc EU rút "thẻ vàng" với hải sản Việt Nam sẽ gây rất nhiều khó khăn vì các lô hàng sẽ bị giữ lại để kiểm tra về nguồn gốc, kéo dài thời gian và tốn thêm chi phí, chưa kể nguy cơ lô hàng có thể bị trả về nếu vi phạm quy định IUU.
"Dù có cố gắng hết sức cũng khó quản lý được hết nguồn gốc các lô nguyên liệu mua về chế biến nên ngoài việc làm tốt nhất có thể, chúng tôi chỉ còn biết trông đợi vào hành động của các cơ quan chức năng" - bà Tuệ lo lắng.
Theo một chuyên gia về thủy sản, trong thời gian bị "thẻ vàng", 100% container hàng hải sản từ Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác nên sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí lên đến 3-4 tuần/container với chi phí kiểm tra khoảng 15 triệu đồng/container, chưa kể phí lưu giữ cảng.
"Nhưng rủi ro nhất là các lô hàng có nguy cơ bị trả về, như trường hợp của Philippines có đến 70% số container bị trả về, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp" - vị chuyên gia này cảnh báo.
Chưa hết, nhiều khách hàng tại EU sẽ e ngại việc bị phạt theo quy định của IUU nên giảm hoặc ngừng mua hải sản tại các quốc gia bị "thẻ vàng", trong đó có Việt Nam.
Tên của các quốc gia này sẽ được đưa công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các thị trường khác sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn với hàng hải sản từ Việt Nam.
"Sau EU, thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ 1-1-2018, hoạt động xuất khẩu hải sản Việt Nam sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn bởi thị trường EU và Mỹ hiện chiếm 32-34% tổng kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam mỗi năm" - vị chuyên gia này khuyến cáo.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khẳng định IUU là quy định được EU áp dụng cho tất cả các quốc gia có hoạt động khai thác và xuất khẩu hải sản vào thị trường này chứ không riêng gì Việt Nam.
"Do vậy, Việt Nam chỉ còn cách là tuân thủ luật chơi của quốc tế và cố gắng sửa chữa những điều không hợp lý để duy trì việc xuất khẩu hải sản sang thị trường này thời gian tới" - giám đốc một doanh nghiệp nói.
Việt Nam đang chạy nước rút để đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu EU về khai thác và nguồn gốc thủy hải sản - Ảnh: TR.MẠNH |
Phải tuân thủ luật chơi nếu không muốn bị thẻ đỏ
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tổ chức này đang nghiên cứu kỹ những nội dung trong cảnh báo "thẻ vàng" này để đánh giá tác động cụ thể đến các DN cũng như ngành hải sản Việt Nam.
"Về cơ bản, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp khó khăn hơn sau khi bị "thẻ vàng". Tuy nhiên, chúng ta sẽ có khoảng 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, trước khi được EU xem xét lại" - ông Ích cho biết.
"Là thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất thế giới, chiếm 24% tổng giá trị thương mại toàn cầu ngành hải sản, EU không muốn đồng lõa với hoạt động này và không chấp nhận các sản phẩm này vào thị trường của mình" - một chuyên gia giải thích.
Theo ông Ngô Văn Ích, trong nhiều tháng qua VASEP cùng với Bộ NN&PTNT đã tiến hành nhiều cuộc làm việc với các cơ quan chức năng EU để tìm cách giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, thời gian không cho phép để phía Việt Nam thực hiện hết những yêu cầu mà phía EU đưa ra, bởi những thay đổi về chính sách và luật pháp cần phải có thời gian.
"Khả năng chuyển từ "thẻ vàng" sang "thẻ đỏ" - ngừng nhập khẩu - rất cao nên phía Việt Nam đang làm việc hết sức khẩn trương để cải thiện tình hình trước khi quá muộn", ông Ích nói.
Trong thông cáo báo chí của EU (ngày 23-10) và được Tổng cục Thủy sản Việt Nam trích đăng trên website, lý do để EU đưa ra quyết định cảnh báo "thẻ vàng" là "Việt Nam hành động không đủ để chống lại đánh bắt bất hợp pháp", thiếu hệ thống xử phạt hiệu quả để ngăn chặn các hoạt động đánh bắt IUU. Đặc biệt, Việt Nam thiếu hành động để chấm dứt các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được thực hiện bởi các tàu thuyền Việt Nam trên vùng biển của các nước láng giềng, bao gồm cả các quốc đảo nhỏ đang phát triển ở Thái Bình Dương. Việc đánh bắt bất hợp pháp, theo EU, là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới với thiệt hại khoảng 10 - 23,5 tỉ USD mỗi năm. |
Tác giả: TRẦN MẠNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ