Bộ trưởng trăn trở, đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp có lợi thế là được đào tạo bài bản, nhiệt huyết và luôn nỗ lực hết mình vì công việc đã tạo nền tảng cho bộ, ngành Tư pháp vượt qua mọi khó khăn, trong điều kiện biên chế ngày càng bị cắt giảm, công việc phát sinh, tính chất phức tạp ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long |
''Đội ngũ cán bộ của ngành phải đổi mới trong tư duy, mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động, cùng nỗ lực để làm thay đổi diện mạo công tác tư pháp, tạo ra những chuyển biến cơ bản trên mọi lĩnh vực quản lý của ngành'' - Bộ trưởng nói.
Một trong những bí quyết “giữ lửa” của Bộ trưởng với “ngôi nhà chung” ngành Tư pháp là biết cách khơi gợi niềm đam mê nghề nghiệp trong anh em, động viên khích lệ những lúc họ khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy trong các chuyến đi cơ sở, ông luôn dành thời gian lắng nghe các ý kiến góp ý của cán bộ ngành, dù là nhỏ nhất để tìm cách gỡ vướng.
Điều khiến Bộ trưởng Lê Thành Long suy nghĩ nhiều nhất vẫn là chính sách, chế độ đãi ngộ cho cán bộ trong ngành, dù thời gian qua đã được cải thiện một phần.
“Ngành Tư pháp còn nhiều khó khăn, anh em cơ sở dù yêu ngành, yêu nghề nhưng vẫn còn lo toan nhiều về đời sống. Vì thế, phải làm sao động viên anh em kịp thời, trong thẩm quyền mình có thể cần tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ trong ngành cống hiến”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trong một chuyển công tác tại Đắk Lắk |
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận, đánh giá con người một cách sâu sắc và tình cảm, có cơ chế tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ trong việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm… coi đây là nguồn lực, sức mạnh quan trọng đưa ngành Tư pháp mạnh lên.
Bên cạnh công tác cán bộ, còn nhiều vấn đề của ngành làm Bộ trưởng Lê Thành Long trăn trở. Đó là chất lượng một số văn bản luật còn thấp, tình trạng nợ đọng thông tư của các bộ, tình trạng nhiều bản án dân sự, hành chính chưa thi hành nghiêm…
Liên quan đến đời sống người dân, còn tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực, lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn có sai sót, bị dư luận lên tiếng...
Nhìn thẳng vào những tồn tại đó, Bộ trưởng cho rằng để tháo gỡ không chỉ từ một cá nhân, một ngành mà phải có sự đồng hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Chuẩn bị tâm thế trước những thử thách mới
Ghi nhận những nỗ lực năm 2017, Bộ trưởng cho rằng đó là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành.
”Mỗi cán bộ trong ngành phải ý thức rất rõ về những thành quả đạt được cũng như trách nhiệm của mình trong sự phát triển đi lên của Bộ, của ngành để tự đặt ra phương châm hành động và chuẩn bị tâm thế trước những cơ hội, thử thách mới”, Bộ trưởng nhắn nhủ.
Năm 2018, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngoài những ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngành Tư pháp sẽ ưu tiên tạo cơ chế thuận lợi trong giải quyết những việc liên quan đến đời sống người dân.
Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, DN liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.
Đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, giải quyết tốt các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet