Kinh tế

Bị 'nữ hoàng' kêu lên Thủ tướng, VinaCapital lập tức chia tay, rút nhanh

“Ngã ngửa” vì những điều khoản không đúng như kỳ vọng sau thương thảo ban đầu, Công ty Ba Huân bức xúc nhất quyết “đòi” chia tay cho dù đã ký hợp đồng bản tiếng Anh cùng với công ty quản lý quỹ VinaCapital.

Đại diện VinaCapital chính thức phát đi thông cáo sẽ hủy thương vụ đầu tư vào Ba Huân do “một số hiểu lầm giữa đôi bên”. “Chúng tôi quyết định dừng việc tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp nhằm kết thúc thương vụ này”, thông báo viết.

Đây là câu trả lời chính thức từ phía VinaCapital dành cho Ba Huân sau khi công ty này gửi Công văn số đến Văn phòng Chính phủ nhờ hỗ trợ cuộc “chia tay” với VinaCapital. Theo đó, Ba Huân từ chối hợp tác với VinaCapital vì thỏa thuận hợp tác không như ý muốn, các điều khoản đầu tư không đúng với thực tế đã trao đổi.

“Hôn nhân” tan vỡ, tham vọng nâng tầm trứng Việt của Ba Huân sẽ đi về đâu?

Cụ thể, theo Ba Huân, trong bản hợp đồng bằng tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư nội bộ (IRR) của mình ở mức quá cao là 22%/năm, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng.

Ba Huân còn cho rằng VinaCapital yêu cầu nhiều điều khoản không tích cực khác, dẫn đến nguy cơ mất doanh nghiệp về tay quỹ ngoại. Chẳng hạn, nếu Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt, hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân.

“Ở chung” với VinaCapital, Ba Huân cũng sẽ bị giới hạn ngành nghề kinh doanh khác, chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà.

Nhìn chung, lý do mà Ba Huân nêu lên là vì thỏa thuận một đằng, nhưng văn bản một nẻo. “Đây là yêu cầu vô lý, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cổ đông thiểu số và pháp luật Việt Nam”, công ty Ba Huân nhấn mạnh.

Phía VinaCapital không xác nhận các thông tin cụ thể nhưng cho biết: “Các hợp đồng chính thức được soạn thảo bằng tiếng Anh và đã được tất cả các bên rà soát và ký kết vào tháng 2/2018, các bản hợp đồng chính thức cùng tất cả tài liệu quan trọng đều được dịch sang tiếng Việt và không có sự khác biệt về nội dung giữa các bản tiếng Anh và tiếng Việt. Trước đó, Ba Huân đã nhận được Biên bản Ghi nhớ Đầu tư (terms sheet) bằng tiếng Anh cùng bản dịch tiếng Việt để đối chiếu, rà soát tất cả các điều khoản thương mại quan trọng cốt lõi sẽ được đưa vào các hợp đồng chính thức của thương vụ trước khi ký Biên Bản này vào tháng 10/2017”.

Đại diện VinaCapital cũng khẳng định thương vụ này “hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam”. Các điều khoản này cũng bao gồm một số điều kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Những điều kiện đó cũng phù hợp với các thông lệ của thị trường và chỉ áp dụng khi doanh nghiệp không đạt được các kết quả kinh doanh do chính ban điều hành doanh nghiệp dự đoán.

Trước đó, ngày 26/02/2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý công bố đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của Ba Huân, và sẽ xem xét đầu tư thêm vào trong 12 tháng tới tùy thuộc vào kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, thương vụ này trở nên “kỳ lạ” khi hai bên không đến được với nhau mặc dù đã ký kết hợp đồng đầu tư, cho dù là bản tiếng Anh.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, người được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt” lo ngại khoản tiền triệu USD đầu tư sẽ dần biến Ba Huân trở thành “con nợ” của VinaCapital, rồi thương hiệu Việt sẽ biến mất.

Vụ lùm xùm đã tạo ra 2 luồng dư luận: một cho rằng bảo vệ thương hiệu Việt trước những “ông kẹ” trong giới tài chính, hai là nên chấp nhận cuộc chơi về pháp lý khi đã ra biển lớn.

VinaCapital cho biết thời gian từ lần gặp gỡ đầu tiên, chuẩn bị việc ký kết Biên bản Ghi nhớ cho đến khi ký kết các hợp đồng chính thức kéo dài hơn 6 tháng.

Công ty quản lý quỹ này phân trần rằng không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân. “Việc này cũng không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay”. Dù vậy, trong hợp đồng có những điều khoản ràng buộc, mà công ty quản lý quỹ này lý giải là để tự bảo vệ các nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế.

Ba Huân chiếm khoảng 30% thị phần trứng tiệt trùng tại Việt Nam năm 2017. Mỗi ngày, công ty này cung cấp khoảng 1,7 triệu quả trứng, 25 tấn thịt gà. Doanh thu dự kiến năm 2018 đạt 90 triệu USD, còn doanh thu 2016 trước đó là 43 triệu USD.

Tác giả: Việt Dũng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok