Thế giới

Bí mật đằng sau quỹ đen của Triều Tiên

Quỹ đen của Bình Nhưỡng dồi dào ngoại tệ nhờ các hoạt động thương mại lách lệnh trừng phạt của quốc tế.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) đứng bên cạnh chiếc xe Lincoln Continental chở linh cữu cố lãnh tụ Kim Jong-Il. Ảnh: AP.

Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trước công chúng trên một chiếc xe Mercedes Benz đen bóng có trị giá ước tính lên tới 2 triệu USD, thế giới không khỏi băn khoăn ai đã bán những siêu xe đó cho Triều Tiên?

Ngoài xe limousine hạng sang, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn sở hữu du thuyền 6 triệu USD và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong trị giá 35 triệu USD, CNN dẫn thông tin của một tổ chức quốc tế chuyên theo dõi hoạt động kinh tế của Triều Tiên cho biết.

Từ năm 2006, Liên Hợp Quốc siết chặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Mỹ và các nước đồng minh từ nhiều năm nay đã tìm cách cắt nguồn cung tiền của chính phủ Triều Tiên bao gồm đóng băng mọi giao dịch của Triều Tiên trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2014 của Liên Hợp Quốc, năm 2012, chính phủ Triều Tiên đã chi 645,8 triệu USD để mua hàng hóa xa xỉ, tương đương 19% tổng kim ngạch 3,47 tỷ USD của nước này vào năm 2015.

Nếu không tính Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên là sang quốc gia láng giềng, sẽ thấy giá trị nhập khẩu xa xỉ phẩm của Triều Tiên lớn hơn tổng giá trị nhập khẩu của tất cả các mặt hàng khác cộng lại, theo báo cáo phân tích dữ liệu thương mại quốc tế của Observatory of Economic Complexity.

Nguồn cung ngoại tệ

Chính quyền Triều Tiên bị cáo buộc dùng quỹ đen để mua sắm du thuyền, xe sang và xây khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Ảnh: CNN

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đánh giá Triều Tiên là một trong những quốc gia "ít cởi mở" nhất thế giới.

"Chi phí quân sự lớn đã rút cạn tài nguyên cần thiết cho đầu tư và tiêu dùng. Sản lượng công nghiệp và năng lượng đình trệ suốt nhiều năm qua. Mùa màng thất bát do thời tiết càng khiến tình trạng thiếu lương thực thêm trầm trọng", cơ quan này cho biết.

Vậy ngoại tệ chảy vào Triều Tiên từ nguồn nào? Hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia cho rằng chính phủ nước này có nhiều cách lách luật để đưa nguồn thu ngoại tệ về nước. Ngoài xuất khẩu than và lao động, Triều Tiên bị cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào các ngân hàng trên thế giới, buôn lậu vũ khí, sản xuất tiền giả, thậm chí, buôn bán động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Một nghiên cứu cấp quốc hội Mỹ công bố năm 2008 ước tính mỗi năm Bình Nhưỡng thu về từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD từ các hoạt động bất hợp pháp này.

"Triều Tiên sẽ sẵn sàng bán bất cứ thứ gì có thể bán cho bất cứ ai miễn là 'tiền trao cháo múc'", Anthony Ruggiero, một cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, phát biểu tại một diễn đàn về các nền dân chủ hồi tháng 6.

Nguồn cung ngoại tệ này không những giúp Triều Tiên phát triển các chương trình vũ khí và hạt nhân, củng cố quyền lực và vị thế của lãnh đạo Kim Jong-un mà còn hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc vô hiệu hóa áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh.

"Ngoại tệ đi thẳng vào tài khoản ngân hàng của các giới lãnh đạo Triều Tiên", giáo sư Sheena Greitens từ trường đại học Missouri, người đã theo dõi các hoạt động tài chính của Triều Tiên trong suốt 10-15 năm qua, cho biết.

Cây gậy kinh tế

Các chuyên gia phân tích cho rằng chỉ bằng cách lần theo và chặn đứng các nguồn ngoại tệ bí mật chảy vào Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể gây áp lực đủ lớn khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán.

Trên lý thuyết, mọi chuyện nghe có vẻ dễ dàng nhưng trên thực tế, cắt đứt nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng không đơn giản. Triều Tiên sẽ luôn tìm ra các cách mới để chuyển tiền về nước.

"(Bình Nhưỡng) thực sự rất giỏi tìm ra các cách lách luật mới, rất sáng tạo với các biện pháp sinh ra ngoại tệ, đôi khi, việc đó kéo theo sự thay đổi về địa lý của các hoạt động bất hợp pháp", giáo sư Greitens cho rằng phải khống chế được khả năng ứng biến của Triều Tiên.

"Triều Tiên đã xây dựng được một hệ thống ở nước ngoài có khả năng chống đỡ với áp lực từ mọi biện pháp trừng phạt quốc tế, chủ yếu là nhờ việc khéo léo che giấu và ngụy trang những hoạt động thương mại bất hợp pháp dưới lớp vỏ của các hoạt động hợp pháp", theo ông John Park, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên đến từ trường đại học Harvard.

Biện pháp ngoại giao

Để đối phó với khả năng ứng biến khôn lường của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ sẵn sàng trừng phạt bên thứ ba giúp đỡ Triều Tiên lách luật.

Dù Ngoại trưởng Tillerson không nói rõ Mỹ sẽ trừng phạt các quốc gia giao dịch chui với Bình Nhưỡng như thế nào, trước mắt Mỹ yêu cầu các nước thu hẹp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.

"Việc chúng tôi đang làm là yêu cầu các nước hãy xem xét lại quan hệ ngoại giao của họ với Triều Tiên", Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách khu vực Đông Nam Á W.Patrick Murphy nói. Ông Murphy cũng nhấn mạnh Mỹ đang gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tính hiệu quả của biện pháp này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

"Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì mối liên hệ với Triều Tiên trên nhiều mặt, ngoại giao, văn hóa và kinh tế. Và họ đã chứng minh rằng họ muốn giữ mối quan hệ này... Họ sẽ tự quyết định xem họ sẽ ứng xử với Triều Tiên như thế nào", theo nhận định của tạp chí Diplomat.

Yếu tố Trung Quốc

"Nếu muốn cắt mọi nguồn thu của Bình Nhưỡng... Cuối cùng, anh vẫn phải quay trở lại với câu hỏi anh sẽ làm gì với Trung Quốc", cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Ruggiero kết luận.

Khi ngày càng bị cô lập, Triều Tiên càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là đồng minh thân cận nhất, nhà cung cấp lớn nhất và cũng là nước có ảnh hưởng nhất với Bình Nhưỡng. Khoảng 85% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên là sang Trung Quốc và 76% kim ngạch nhập khẩu cũng là từ Trung Quốc, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

Mỹ sẽ cần sự ủng hộ của Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên, các chuyên gia nhận định.

Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã đồng ý cứng rắn hơn khi áp dụng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên. Một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên đến từ việc nước này bán hàng triệu tấn than cho Trung Quốc mỗi năm, chiếm khoảng một phần ba sản lượng hàng hóa xuất khẩu chính thức của Triều Tiên vào năm 2015. Do vậy, từ ngày 19/2, Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ siết chặt gọng kìm thương mại và kinh tế với quốc gia láng giềng Đông Á bởi vì Triều Tiên vẫn là một vùng đệm kinh tế - chính trị quan trọng để Bắc Kinh đối phó với Hàn Quốc, đồng minh chủ chốt của Mỹ, cựu giám đốc CIA David Cohen nhận xét.

John Park, Giám đốc Korea Working Group tại Harvard Kennedy School, tin rằng Bình Nhưỡng đang cất giữ "số tiền rất lớn" ở các ngân hàng của Trung Quốc.

Theo CNN, các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc và chính phủ Mỹ cũng đã tìm ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang sử dụng mạng lưới các công ty vỏ bọc để giao dịch qua các ngân hàng trên toàn cầu. Ông Anthony Ruggiero cảnh báo Mỹ sẽ can thiệp để ngăn chặn việc các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục giúp Bình Nhưỡng.

"Rốt cuộc, anh sẽ vẫn phải lần theo đầu mối là các ngân hàng và các công ty Trung Quốc câu kết với Bình Nhưỡng để né tránh lệnh trừng phạt quốc tế", Ruggiero nói.

Tác giả: An Hồng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok