|
Chia sẻ với VTC News bác sĩ Chẩu Thị Nguyệt, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết mới tiếp nhận bệnh nhân T.T.T. 46 tuổi, trú tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang bị sốc phản vệ sau khi kiến đốt.
Chị T. nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện khoảng 10 phút, chị T. đang đi làm thì bị kiến xoan đốt vào sườn bên phải.
5 phút sau, chị vã mồ hôi, tím tái, ngất lịm đi nên được người xung quanh đưa thẳng đến bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Ngay khi nhập viện, chị T. được chẩn đoán phản vệ mức độ nguy kịch và được cấp cứu nhanh chóng, điều trị bằng nhiều biện pháp như hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt. Sau 10 phút nỗ lực chạy đua với tử thần, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy.
Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe chị T. ổn định, tự thở, tỉnh táo hoàn toàn và đã được xuất viện.
Hình ảnh kiến xoan. |
Bác sĩ Chẩu Thị Nguyệt cho biết, người dân sau khi tiếp xúc với dị nguyên có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thuốc, côn trùng, thức ăn và các hóa mỹ phẩm khác, trường hợp phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc.
Với những trường hợp phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh nguy cơ bị co thắt phế quản gây suy hô hấp, phù phổi cấp, giãn toàn bộ hệ thống mao mạch gây trụy mạch dẫn đến tử vong.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như kiến đốt, ong đốt, hoặc sau khi ăn các loại thực phẩm, thuốc... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.
Mẹo hay xử lý khi bị kiến đốt Thông tin trên báo Lao Động, kiến lửa là loài côn trùng hung hãn, chúng có thể đốt bạn ngay khi cảm thấy bị đe dọa. Vết đốt của kiến lửa gây đau đớn, ngứa ngáy, sưng tấy và có thể để lại sẹo. Dưới đây là một số mẹo xử lý khi bị kiến lửa đốt mà bạn nên biết. Làm sạch vết đốt Bạn nên rửa vết kiến lửa đốt bằng nước xà phòng thật nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn, đất cát. Nên chườm gạc lạnh Gạc lạnh có tác dụng làm giảm sưng. Bạn hãy đắp gạc lạnh vào vết đốt trong 20 phút, sau đó lấy ra nghỉ 20 phút. Lặp lại quá trình này cho đến khi cảm thấy da dịu hơn và bớt sưng. Cách làm gạc lạnh vô cùng đơn giản: Đầu tiên, bạn bỏ đá viên vào túi nilon, sau đó nhúng khăn bông dưới vòi nước lạnh và quấn quanh túi đá. Sử dụng hỗn hợp nước và muối nở xoa vào vết kiến đốt Trong trường hợp bạn không tiện đến hiệu thuốc để mua thuốc hãy sử dụng nước và muối nở tại nhà. Trộn nước và muối nở với tỷ lệ 1:1 thành bột nhão. Đắp hỗn hợp lên vết kiến đốt nhiều lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Không gãi Nọc độc của kiến lửa khiến cơ thể phản ứng bằng cách tạo thành một vết phồng rộp hoặc mụn mủ nhỏ, có khả năng bảo vệ, gây ngứa và mềm khi chạm vào. Đừng gãi. Việc làm vỡ các mụn mủ dễ dẫn đến nhiễm trùng. Cần theo dõi các phản ứng dị ứng Vết đốt của kiến lửa có thể gây nên một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: Đau ngực, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, sưng tấy vùng bị đốt, sưng lưỡi, nói lắp hoặc khó thở. Tuy nhiên, những phản ứng trên khá hiếm gặp. Nếu người bị đốt chẳng may gặp phải những triệu chứng đó, hãy ngay lập tức đưa họ tới bệnh viện gần nhất.
|
Tác giả: Trúc Chi (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn