Mark Zuckerberg đang gặp ngày một nhiều vấn đề liên quan tới thông tin và dữ liệu cá nhân người dùng trên mạng xã hội Facebook |
Trong bài đăng của mình trên mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg nhấn mạnh vào tầm quan trọng của vụ việc, qua đó, cam kết điều tra "tất cả những ứng dụng có quyền truy cập vào một số lượng lớn thông tin" trước khi Facebook thay đổi chính sách của họ vào năm 2014. Bên cạnh đó, ông chủ Facebook cũng cho biết sẽ kiểm soát loại truy cập dữ liệu có sẵn dành cho các nhà phát triển.
"Tin tốt là chúng tôi đã triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn sự việc như thế này xảy ra một lần nữa, từ nhiều năm qua", Mark cho biết. "Nhưng chúng tôi cũng mắc nhiều sai sót. Vẫn còn nhiều việc phải làm, và chúng tôi cần phải hướng về tương lai."
Về vụ Cambridge Analytica (CA), Mark Zuckerberg cho biết một nhà nghiên cứu của công ty này đã tạo một bài quiz (đố vui) thu hút hơn 300.000 người dùng. Tuy nhiên do hệ thống API kết nối bạn bè của Facebook, nên 300.000 người đã được nhân rộng lên thành một số lượng lớn hơn rất nhiều.
Sau khi phát hiện thấy điều trên, Facebook đã chặn ứng dụng này và khẳng định rằng tất cả dữ liệu sẽ bị xóa. Tuy nhiên rõ ràng là mọi thứ đã không xảy ra như cách mà họ mong muốn, nên Facebook chỉ vừa mới cấm CA khỏi nền tảng của mình, đồng thời thuê một công ty pháp y kiểm tra rằng dữ liệu do CA liệu đã thực sự bị xóa bỏ hay chưa.
|
Mark Zuckerberg cũng đưa ra kế hoạch nhằm đảm bảo những vụ việc như thế này sẽ không xảy ra trong tương lai, vốn đã được đề cập ở phần trên của bài viết, bao gồm kiểm tra tất cả những ứng dụng có quyền truy cập vào một số lượng lớn thông tin trước khi cho phép thông tin được lan truyền theo danh sách bạn bè.
Các nhà phát triển rơi vào "tầm ngắm" của Facebook sẽ bị từ chối hợp tác và cấm hoàn toàn khỏi nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Facebook cũng cấm nhà phát triển truy cập lại dữ liệu cũ của người dùng nếu họ không truy cập ứng dụng trong 3 tháng gần nhất. Những thông tin cá nhân của người dùng cũng được tối giản thấp nhất có thể, mà theo Mark là chỉ bao gồm "tên, ảnh tiểu sử, và địa chỉ email".
Trả lời phỏng vấn tờ CNN về động thái "giữ im lặng" khi xảy ra scandal, Mark Zuckerberg khẳng định anh sẵn sàng "làm chứng trước Quốc hội nếu đây là điều cần phải làm". Tuy nhiên CEO Facebook cho biết anh để lại vụ việc cho những chuyên gia về kỹ thuật và pháp luật của công ty, những người có hiểu biết và nắm rõ tình hình nhằm mang đến cái nhìn tổng quan hơn.
Tuy đã lên tiếng về scandal để lọt thông tin người dùng, nhưng Mark Zuckerberg vẫn đứng trước nhiều chỉ trích từ báo giới quốc tế.
Facebook liệu có tiếp tục được tín nhiệm? |
Tờ Engadget nhấn mạnh "không có một từ "xin lỗi" nào xuất hiện trong bài viết dài 935 từ của Mark Zuckerberg trên trang cá nhân". Theo tờ báo này, CEO Facebook cũng chưa giải thích rằng tại sao công ty không cố gắng liên lạc với bất kỳ người dùng nào bị thu thập dữ liệu bất hợp pháp sau khi để xảy ra vụ việc.
Independent thì khẳng định scandal Cambridge Analytica đã làm chấm dứt tham vọng chạy đua vào Nhà Trắng của Mark Zuckerberg. Trước đó, nhiều người từng tin vào khả năng Mark sẽ tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 do động thái truyền cảm hứng mạnh mẽ tới giới trẻ, và đưa tuyên bố ấn tượng về một số vấn đề lớn của đất nước. Đây đều được xem như là động thái dấn thân vào chính trường Mỹ.
TechCrunch thậm chí cho rằng đây là thời điểm hợp lý để Mark Zuckerberg từ chức, sau khi là tâm điểm của hàng tá sự việc gây tranh cãi, dẫn tới nhiều cảm xúc trái chiều từ thất vọng đến phẫn nộ tột cùng.
Chưa bao giờ kể từ ngày mang đến nền tảng góp phần làm thay đội cuộc sống của hàng tỉ người dùng Internet trên thế giới, Facebook lại đứng trước thử thách và những nghi vấn về tính hữu ích của nó như hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí