Trong nước

Bí ẩn vườn 'quýt trời' chim không dám ăn quả và huyệt đạo Đế Vương

Câu chuyện bí ẩn ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) còn chưa dừng lại khi chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình chinh phục núi Mằn.

Chúng tôi xin tiếp tục câu chuyện kì bí quanh núi Mằn mà chị Thanh - Phó phòng Văn hóa huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) kể lại...

Trên con đường chinh phục núi Mằn, chúng tôi còn nghe rất nhiều thần thoại xung quanh 3 ông Rắn và vị thần Khổng Lồ. Câu chuyện về tảng đá hình bàn tay, câu chuyện về loài cỏ vô ưu, về huyệt đạo Đế Vương, về vườn quýt trời, về con suối có dải yếm đẹp như người con gái...

Huyệt đạo Đế Vương

Ở Hoành Bồ thời phong kiến, thành nhà Mạc (thành Xích Thổ) khi có giao tranh, từ trên ngọn núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ), quân lính đốt khói lên phát tín hiệu thì ở núi Thiên Bân (núi Mằn) sẽ nhận tín hiệu.

Thế nhưng, hậu cứ không phải ở thành Xích Thổ mà chính là núi Thiên Vương (Thành cổ Lỗ Kỳ), nơi ông Khổng Lồ ngồi nhìn xuống Hoành Bồ xưa kia. Địa danh Thành cổ Lưỡng Kỳ cũng nằm ở đất Hoàng Bồ, cách núi Bân 3 cây số.

Núi Mằn hay còn gọi là núi Thiên Bân

Ở Thành cổ Lưỡng Kỳ có những tảng đá to, tạo nên những thành hào xung quanh quả núi nơi ông Khổng Lồ ngồi. Thành cổ Lỗ Kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn Trịnh Mạc phân tranh. Nó cũng có ý nghĩa rất quan trọng với người dân thời phong kiến trong cuộc đấu tranh với người phương Bắc.

Theo quan niệm của người Hoành Bồ, núi Mằn có địa thế đẹp, công thủ đều rất tốt. Ngày xưa đánh nhau chỉ có đường bộ và thủy, khi nào quân địch tiến thì mình sẽ có hai dòng rẽ nhằm đánh lạc hướng quân địch. Hai dòng rẽ này đều đi sâu vào trong đất liền, vùng núi, vùng sơn cước nên quân ta có lợi thế phòng thủ. Ngồi từ đỉnh núi cao hơn 300m so với mực nước biển sẽ nhìn thấy hướng đi của quân địch.

Ngày xưa, khi Hoành Bồ chưa tiến hành khai thác đá thì có 10 ngọn núi đều quy tụ về núi Mằn. Tương truyền, trên đỉnh núi Mằn có một huyện đạo. Nghe đồn, chỉ những người có đầy đủ tâm, đức, duyên mới gặp được huyệt đạo này. Theo quan niệm của người xưa, nếu táng mộ trên huyệt đạo này, con cháu sẽ phát nghiệp Đế Vương. Tuy nhiên, nếu người nào đức không đủ dầy thì đến đây sẽ bị sét đánh chết.

Ở phía tây của mỏm núi Mằn người ta còn phát hiện một ngọn núi đầu rồng, chầu sơn, bái sơn. Có 10 ngọn núi thì 9 ngọn quy tụ về huyệt đạo núi Mằn, riêng chỉ có một ngọn núi vểnh ra bên ngoài gọi là núi Nhòm Mồm.

Người dân vẫn còn lưu truyền câu ca dao: "Chín con theo mẹ rồng rồng. Chỉ riêng con út quyết lòng không theo". Câu ca về sự tích muốn răn dạy con cháu là phải lễ phép nghe theo sự dạy dỗ của bậc tiền nhân. Cũng theo quan niệm này, ngày xưa dân sống ở vùng núi Nhòm Mồm này ít có người đỗ đạt, hay có những chuyện không may mắn xảy ra.

Vườn quýt trời và chùa Thiên Quýt

Ngoài ý nghĩa về mặt quân sự, trên đỉnh núi Mằn còn lưu truyền thần tích về vườn quýt trời và ngôi chùa Thiên Quýt. Tích xưa kể lại, đường lên vườn quýt trời rất khó khăn. Thế nhưng, người dân lên đây ăn thì được nhưng nếu mang xuống sẽ bị lú lẫn và không thể xuống núi.

Hàng năm người dân tổ chức lễ hội tại chùa Thiên Quýt để tưởng nhớ công ơn vị thần núi Mằn

Thần tích này ý muốn nhắc nhở con người phải lao động thì mới có thành quả và quan trọng là không được tham lam. Nhưng phàm nỗi là chỉ có thanh niên chứ còn người già, trẻ em sẽ không bao giờ leo lên để thưởng thức được những quả quýt ngon đó. Thế là người dân đành cầu khẩn vị thần núi Mằn.

Nghe lời khẩn cầu của người dân, vị thần núi Mằn sai 10 con Phượng Hoàng ở 10 ngọn núi trên đỉnh núi Mằn cắt những quả quýt này về ngọn đồi thấp bên dưới chân núi. Trên đồi có những cây quýt cho quả cực kì ngọt nhưng chim không bao giờ dám ăn.

Người dân lý giải, chim không bao giờ dám ăn bởi 10 con Phượng Hoàng trên đỉnh núi Mằn chính là vua của các loài chim. Và thần linh mang những quả quýt này xuống cho con người thì không bao giờ loài chim được ăn. Nhân dân trong vùng lập lên ngôi chùa Thiên Quýt trên núi Mằn để tưởng nhớ sự tích mà vị thần núi Mằn đã ban tặng cho người dân địa phương.

Trải qua những biến cố thăng trầm, chùa sập và cánh đồng quýt cũng dạt theo. Đến những năm 90, người ta lập lại những gian thờ rất nhỏ. Trước đó, cây quýt lớn nhất ở giữa ngôi chùa đã chết nhưng bỗng cành cuối cùng mọc lên một mầm xanh. Mầm này phát tán và ôm chặt cái gốc quýt mục đó. Đến bây giờ, tại chùa Thiên Quýt, gốc quýt mục vẫn còn. Người dân địa phương khi đến vẫn thắp hương vào gốc quýt là vì biết đến thần tích đó.

Trên con đường khám phá núi Mằn, chúng tôi còn nghe rất nhiều chuyện thần thoại xung quanh 3 ông Rắn và vị thần núi Mằn. Câu chuyện về tảng đá hình bàn tay trên núi Mằn, câu chuyện về loài cỏ vô ưu, về con suối có dải yếm đẹp như người con gái...

Dẫu biết rằng, mọi thần tích trong dân gian đều được hư cấu và bồi đắp theo thời gian. Thế nhưng, những câu chuyện kì bí về núi Mằn đan xen giữa thực tại và quá khứ để thấy rằng cha ông ta đã kì công thổi vào danh lam thắng cảnh một luồng di sản văn hóa phi vật thể. Nó cũng chính là cột mốc để chứng minh nền văn hóa của dân tộc ta xuất phát điểm hoàn toàn khác biệt với phương Bắc./.

Tác giả bài viết: Kim Thược - Đức Thuận

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok