Đó là ý kiến của TS Vũ Văn Bằng - nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - một nhà địa chất công trình có nhiều năm kinh nghiệm trao đổi với phóng viên Đời Sống&Pháp Luật/Người Đưa Tin Pháp Luật.
“Truy tìm nguyên nhân là hết sức cần thiết để có thêm cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho việc đề ra các giải pháp phòng chống thiên tai ở nước ta”, TS Vũ Bằng, chuyên gia về cơ học đất nền móng, nói.
Có một khác biệt và dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường là vị trí sườn núi sạt lở gây thương vong lớn ở hai địa điểm sạt lở cách nhau 14 km và gần thủy điện Rào Trăng 3 khác nhau hoàn toàn.
Sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. |
Tại trạm điều hành của thủy điện Rào Trăng 3 cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 10 km, đất đá ở sườn núi đổ ập gần như tại chỗ; hai vị trí sạt lở và người bị vùi lập gần như ở một chỗ, tức là ngay dưới chân đồi.
Trong khi đó, tại điểm xảy ra tai nạn thứ hai là trạm kiểm lâm tiểu khu 67, căn nhà cấp bốn mái tôn xanh của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Bồ cùng 13 sỹ quan bị vùi lấp cách khá xa vị trí quả núi sạt lở chứ không sát nhau như trường hợp nêu trên.
Toàn cảnh khu nhà xây kiên cố được thay thế bằng một bình nguyên mênh mông bùn đất và dường như không bị bao bọc bởi bất cứ quả núi đất nào gần đó.
Thượng tá Ngô Nam Cường, một trong những nhân chứng sống sót trong trạng thái bị tường nhà đè lên, kể lại ông và đồng đội nghe tiếng nổ ầm thì nằm xuống và, khoảng 5 giây sau, bật đèn pin lên thì thấy đất đá tất thảy đều đã lừng lững xung quanh. Vài phút sau, những người sống sót lại nghe loạt tiếng ầm ầm không biết từ đâu vọng lại.
Một quan chức địa phương cho hay khu nhà trạm Kiểm lâm 67 nằm bên trái tuyến đường 71 đi vào Rào Trăng 3; nó nằm ở địa thế không quá dốc và xung quanh trạm có rừng tự nhiên nhưng là rừng tự nhiên nghèo.
Hiện trường tiểu khu 67 khiến 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. |
Mặc dù không tiếp cận hiện trường, TS Vũ Bằng với nhiều chục năm kinh nghiệm khoan các vùng đất đá bở rời miền núi vẫn mạnh dạn nhận định: “Suy xét sơ bộ thì tôi thấy cơ chế dịch chuyển và gây tiếng nổ của lớp đất đá có thể thế này: Khối đất đá di chuyển khỏi chân núi sạt lở dù chỉ vài trăm mét kiểu gì cũng đòi hỏi lực đẩy cực lớn. Trên một bề mặt đất không có độ dốc rõ rệt, lực đẩy cực lớn ấy phải đạt một gia tốc cũng phải cực lớn trong khoảng thời gian cực ngắn”.
“Tôi hình dung cái gây ra lực đẩy bất thường ấy chỉ có thể là khối nước khổng lồ. - TS Bằng, người có nhiều chục năm kinh nghiệm về địa chất công trình ở Việt Nam, phán đoán tiếp - Chỉ có khối nước khổng lồ chuyển động cực nhanh và mạnh mới có thể đưa lượng đất đá khổng lồ kia như bay trên mặt đất vượt trong chớp mắt một quãng đường hẳn cũng có ma sát rất lớn bởi thảm thực vật tự nhiên và bề mặt đất đá gồ ghề”.
Nói tóm lại, khả năng chỉ riêng đất đá sạt lở tự vận động bằng nội lực trên nền đất rừng gần như không có độ dốc “thực sự rất khó hình dung”. Nếu chỉ thuần túy do đất đá, sẽ rất khó giải thích hiện tượng nhân chứng nghe tiếng nổ ầm và gần như ngay sau đó nhìn thấy đất đá trước mặt mình.
“Tiếng nổ ầm ấy có thể là kết quả va chạm mạnh của dòng lũ bùn lặng lẽ phá tung tường nhà của trạm kiểm lâm. - TS Bằng tiếp tục phán đoán và thừa nhận các phán đoán của ông có thể sai hoàn toàn - Còn nếu sau đó nghe thấy tiếng nổ ầm thứ hai thì đấy có thể là do các khối đất đá rơi xuống dòng chảy mạnh dưới chân núi”.
Tiến sỹ Vũ Bằng trong một lần đo tia đất có hại. |
Được hỏi khối nước khổng lồ kia nếu có thì từ đâu ra, TS Bằng cho rằng về lý thuyết có thể có ba khả năng. Khả năng thứ nhất là do dòng chảy bề mặt của nước mưa tích tụ dưới chân núi và có thể chính dòng chảy này làm sạt lở chân núi rồi kéo theo khối đất đá đi luôn. Khả năng thứ hai có thể do khối đất đá bên sườn núi tự lở do thấm quá nhiều nước mưa và bị dòng chảy có sẵn dưới chân núi đẩy đi. Khả năng thứ ba, “tôi chỉ phỏng đoán vì không có mặt ở hiện trường”, khối đất đá trượt lở làm bộc lộ túi nước lớn trong lòng núi.
Nhiều chục năm chuyên thăm dò nước ngầm ở các vùng núi có địa hình khác nhau, TS Bằng nhận thấy có nhiều túi nước khổng lồ ẩn sâu giữa các khe đá. Cuối cùng ông cho rằng có thể xem vụ trượt lở đất còn đầy bí ẩn ở trạm 67 gần giống như một trận lũ quét hay lũ ống dù quãng đường của dòng lũ không dài.
“Tại khu vực Rào Trăng 3, sản phẩm phong hóa thành phần chủ yếu là cát, sạn bở rời. Vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn, mềm hoặc chỉ cứng một phần, khả năng liên kết kém. Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được cảnh báo có nguy cơ trượt lở đất đá cao”, TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Nguồn tin: nguoiduatin.vn