Giáo dục

Bệnh thành tích trong giáo dục: Cần phải bắt đầu từ chính đội ngũ giáo viên

Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Mấy năm đầu triển khai, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên với những năm trở lại đây, bệnh thành tích lại có dịp 'bùng phát" khi nhà nước có các chế độ ưu tiên cho những nhà giáo ưu tú, các giáo viên giảng dạy lâu năm...

Vừa qua, trường hợp của ông Đặng Vũ Ngoạn - hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã khai khống thành tích để đủ điều kiện nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước đã thật sự là "ngòi nổ" cho chính những người trong ngành giáo dục.

Vào năm 2008, ông Ngoạn được chuyển công tác từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) về ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM. Từ năm 2008 đến 2011 liên tục trong ba năm ông Ngoạn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhưng trước khi về Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, tại Trường ĐH Bách khoa trong hai năm 2006 và 2007, PGS.TS Ngoạn không hề đạt được chiến sĩ thi đua.

Như vậy ông Đặng Vũ Ngọan không đủ tiêu chuẩn năm năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tại thời điểm đề nghị khen thưởng tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 (thành tích tính từ năm 2006 đến 2011). Thế nhưng trong hồ sơ thành tích để được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ông Ngoạn đã khai là đạt chiến sĩ thi đua năm năm liền.

Tương tự, mặc dù không đủ tiêu chuẩn bảy năm liên tục chiến sĩ thi đua cơ sở tại thời điểm đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 2013 (tính thành tích từ năm 2006 đến 2013), nhưng ông Ngoạn vẫn khai cho mình đạt được bảy năm liền là chiến sĩ thi đua.

Ông Đặng Vũ Ngoạn - hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM


Chưa dừng lại ở đó, ông Ngoạn còn tự để bảng lương của mình có mức thu nhập lên tới 182 triệu đồng/1 tháng. Khi tham chiếu bảng thu nhập của ông Ngoạn với rất nhiều khoản tiền trách nhiệm, tiền quản lý rất lạ đời trên 50 triệu đồng khiến nhiều cán bộ, nhân viên, thầy cô giáo không thể im lặng trước bảng lương có vấn đề này. Khi sự việc vỡ lở, ông Ngoạn quanh co cho rằng do chủ quan nên ông đã...ký xác nhận vào bản khai nhận bảng lương cũng như các hồ sơ thành tích thi đua, khen thưởng mà không kiểm tra kỹ hỗ sơ?! Trong khi đó, Vụ Thi đua - khen thưởng Bộ Công thương cho rằng hằng năm bộ này có văn bản hướng dẫn rõ ràng cho các đơn vị trong ngành công thương tổng kết hình thức khen thưởng. Và trong văn bản đều có chú thích thành tích do cơ sở tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thành tích đó.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Như Chinh, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Công Thương), xác nhận Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Ngoạn do vi phạm Luật Thi đua khen thưởng.

Qua sự việc trên, trao đổi với phóng viên về bệnh thành tích đang nở rộ ở chính các giáo viên, Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng: Hiện nay, bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục hết sức nặng nề, càng ngày càng trầm trọng thêm. “Những người làm giáo dục có vai trò rất quan trọng, đó là phải làm sao để học sinh quay trở lại với mục đích cốt lõi nhất của giáo dục là học thật, dạy thật, đào tạo ra những người biết làm việc thật. Thiết nghĩ, triết lý giáo dục cuối cùng phải là như vậy.” – PGS Văn Như Cương nêu quan điểm

Đưa ra giải pháp chống bệnh thành tích trong giáo dục, PGS Văn Như Cương cũng cho rằng: Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo, thiết nghĩ đi tiên phong không ai khác chính là đội ngũ giáo viên. Chỉ khi giáo viên đi tiên phong, kiên quyết chống bệnh gian dối, thành tích ảo thì môi trường giáo dục mới sáng sủa lên được. Còn nếu bản thân chính các đội ngũ giáo viên và áp lực xã hội không đặt quá nặng lên vai người thầy, thiết nghĩ bệnh thành tích trong giáo dục cũng giảm đi một lượng đáng kể.

Tác giả bài viết: Phương Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok