TS Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé trai 9 tháng tuổi ở Bắc Giang được chuyển đến bệnh viện lúc 2h30 sáng. Tuy nhiên khi kiểm tra, bé đã tím tái, ngừng tim.
Các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng trẻ không đáp ứng. Vào 3 giờ cùng ngày, gia đình đã xin đưa trẻ về.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, ngày 9/3, trẻ không may bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân phải.
Tuy nhiên gia đình chủ quan không đưa con đến viện điều trị, cho bé đắp thuốc của bà lang gần nhà. Vài ngày sau, vết bỏng không đỡ, bé lên cơn sốt cao, nổi ban suốt 4 ngày. Lúc này, gia đình mới đưa con đến bệnh viện huyện thăm khám, rồi chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.
Khi nhập viện, trẻ diễn biến xấu nhanh, sốc nhiễm khuẩn nặng. 1h30, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang gọi điện đến Bệnh viện Nhi Trung ương đề nghị chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để đón bé. Bệnh nhi được chuyển đi ngay trong đêm nhưng cuối cùng đã tử vong ngay trên đường.
TS Duy cảnh báo, bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị nhưng vẫn rất nhiều người dân tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.
Thực tế, có những bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng hoại tử sâu thêm, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại nhiều di chứng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc. Nếu trẻ bị bỏng, trước tiên cần cho con tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet