1. Công luận
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016, ông Trump kém bà Clinton đến 2,9 triệu phiếu phổ thông và chỉ thắng cử nhờ hệ thống bầu cử dựa vào lá phiếu đại cử tri. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của CBS News cho thấy chỉ có 32% số người được hỏi ý kiến có nhận xét tốt về ông Trump, thấp hơn nhiều so với các vị tổng thống tiền nhiệm là George W Bush (44%) và Barack Obama (60%), khi họ lần đầu tiên tuyên thệ nhậm chức.
2. Những cuộc biểu tình
Không phải tất cả những người Mỹ đến Washington vào ngày 20/1 đều sẽ cổ vũ cho Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Các quan chức thủ đô Washington đã rất chật vật tìm đủ không gian cho khoảng 25 cuộc biểu tình cuối tuần qua. Cuộc biểu tình lớn nhất Cuộc diễu hành của phụ nữ về Washington, trong đó sẽ thu hút khoảng 200.000 người phản đối việc hủy bỏ Luật phá thai, Luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng (Obamacare) và bình đẳng giới trong khâu trả lương.
Các nhóm khác sẽ biểu tình vì mọi thứ: từ kết thúc chiến tranh để hợp pháp hóa cần sa. Các nhà môi trường đang rất khó chịu trước tuyên bố của ông Trump rằng biến đổi khí hậu chỉ là “một trò chơi khăm” của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình lớn cũng sẽ diễn ra tại Los Angeles, Chicago và các thành phố lớn khác ở Mỹ cũng như trên toàn cầu.
Tất nhiên, hàng trăm ngàn người khác sẽ tới thủ đô để ủng hộ Tổng thống Donald Trump, trong đó có các tay đua xe máy đến từ khắp nơi trên đất Mỹ.
3. Nội bộ Đảng Cộng hòa nổi loạn
Nền tảng ủng hộ ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump là ở cấp cơ sở, ở những người da trắng nghèo vốn bất mãn với thể chế hiện hành chứ không phải bộ máy lãnh đạo dảng Cộng hòa ở Washington. Ban lãnh đạo đảng Cộng hòa từng muốn Jeb Bush, Marco Rubio hoặc một ứng cử viên đảng Cộng hòa khác đắc cử tổng thống, chứ không phải một kẻ ngoại đạo ăn nói bạt mạng như tỷ phú Donald Trump.
Nhưng khó khăn đối với Tổng thống Donald Trump vẫn còn ở phía trước. Thượng nghị sĩ đầy ảnh hưởng John McCain lo lắng về việc tin tặc Nga thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và việc ông Trump không hề giấu giếm sự ngưỡng mộ Tổng thống Putin. Những người khác lo ngại trước việc ông Trump ác cảm với tự do thương mại và luôn công kích các đồng minh truyền thống của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á.
Giới phân tích đặt câu hỏi liệu các quan chức đảng Cộng hòa có quá chán ngán với những hành động thái quá cũng như thiên hướng ngả về phía Nga của Tổng thống Donald Trump và đang tính chuyện thay thế ông này bằng Phó Tổng thống Mike Pence.
4. Sự chống đối của phe Dân chủ
Các cuộc bầu cử hồi đầu tháng 11/2016 đã giúp đảng Cộng hòa thống trị Nhà Trắng, Quốc hội lưỡng viện và Tòa án Tối cao Mỹ.
Hiện thời, nhiều thành viên đảng Dân chủ tỏ ý nghi ngờ việc lựa chọn bà Hillary Clinton, chứ không phải Thượng nghị sĩ thiên tả Bernie Sanders, ra đấu với tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 và tự hỏi liệu có nên chuyển sang phe cánh tả hay không.
Hàng chục chính trị gia đảng Dân chủ sẽ tẩy chay Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trump và đây chỉ là một sự khởi đầu của làn sóng phản đối dữ dội.
5. Các vị thị trưởng có tư tưởng tự do
Đảng Dân chủ thua đau trong các cuộc bầu cử đầu tháng 11/2016, nhưng vẫn thống trị ở New York, Los Angeles, San Francisco và các đô thị lớn khác ở Mỹ. Những căn cứ địa này có truyền thống ngăn chặn các chính sách đàn áp người nhập cư của chính phủ liên bang và từng nhận được biệt danh là “thánh địa" của họ.
Trong khi đó, ông Trump đã nói về việc trục xuất "những kẻ xấu" trong số 11 triệu người nhập cư vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ, tạo ra các cơ quan kiểm soát người Hồi giáo, phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Phi và gốc Latinh.
Thị trưởng New York Bill de Blasio bác bỏ chính sách trục xuất người nhập cư và cho biết ông sẽ không để cho ông Trump "hủy hoại các gia đình”. Các thị trưởng khác thuộc đảng Dân chủ cũng tỏ ý tán đồng và có thể hạn chế hợp tác với Cơ quan Di trú Mỹ, Hải quan và các cơ quan thực thi việc trục xuất khác.
Chính quyền liên bang ở thủ đô Washington có thể trả đũa bằng cách đóng băng các quĩ vốn dành cho các thị trưởng ngang ngạnh, nhưng kết quả sẽ là không thể đoán trước.
6. Các ông trùm tình báo
Không còn nghi ngờ gì nữa, các ông trùm tình báo là những người rất khó trêu ngươi.
Thế nhưng, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọc tức họ, khi ông nói rằng ông là một "người thông minh" không cần đến những báo cáo tình báo hàng ngày mà người tiền nhiệm của ông nhận được. Trong tháng này, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Nga đã cố tình tác động đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump, thông qua tin tặc và các phương tiện khác.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bác bỏ kết luận nói trên và chỉ trích những báo cáo sai sự thật của các cơ quan tình báo về vũ khí hủy diệt hàng loạt dẫn đến cuộc chiến tranh Iraq. Ông Trump gọi những cáo buộc về việc Nga có bằng chứng có thể gây ảnh hưởng đối với ông là vô căn cứ.
Các giới chức Mỹ sẽ không đối đầu trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, nhưng họ có trong tay nhiều vũ khí khác. Họ biết quá rõ thể chế này và biết cách chống lại những gì mà họ không thích. Người ta từng thấy điều này xảy ra trong cộng đồng tình báo.
7. Các tập đoàn lớn
Cho đến nay, các tập đoàn vẫn “nhảy múa theo tiếng sáo” của Tổng thống đắc cử Donald Trump. General Motors, Wal-Mart và các tập đoàn lớn khác đã công bố kế hoạch tạo việc làm hoặc chuyển các nhà máy từ nước ngoài về Mỹ. Điều này phù hợp với kế hoạch của ông Trump nhằm tạo ra việc làm ở Mỹ và thúc đẩy sản xuất ở trong nước… bằng việc tăng cường đánh thuế nhập khẩu.
Nhưng các vị giám đốc điều hành tập đoàn có thể sẽ chĩa nũi dùi vào ông Trump, nếu cuộc chiến thương mại mà ông gây ra với Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho nhiều doanh nghiệp và cuối cùng là công nhân Mỹ bị tổn thất nặng nề.
Nếu Tổng thống Donald Trump làm rối loạn kinh tế thế giới, sẽ có rất nhiều các tập đoàn giàu mạnh cùng đội quân của vận động hành lang của họ đồng loạt đứng lên chống lại ông ta.
Tác giả bài viết: Minh Châu
Nguồn tin: