Giáo dục

Bảy lý do phụ huynh trường Lê Lợi làm đơn kiến nghị bỏ VNEN

Dù đã vào học gần 1 tuần, phụ huynh trường Trung học Cơ sở Lê Lợi (Vinh, Nghệ An) làm đơn tập thể kiến nghị đến trường, Phòng và Sở Giáo dục bỏ VNEN cho con.

Nghệ An: Phụ huynh “chỉ mặt” hàng loạt khuyết điểm, kiến nghị bỏ VNEN

LTS: Ngày 18/8, tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đang áp dụng tiếp tục triển khai VNEN.

Tuy nhiên, sau khi Bộ giao quyền tự quyết thực hiện VNEN về các tỉnh, địa phương, tại nhiều tỉnh thành, phụ huynh đã làm đơn kiến nghị muốn bỏ VNEN.

Gần nhất, phụ huynh 7 lớp ở trường Trung học Cơ sở Lê Lợi (Vinh, Nghệ An) tiếp tục làm đơn xin kiến nghị bỏ mô hình này, thầy giáo Lê Văn Vỵ có bài viết phản ánh vấn đề trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Sau gần một tuần khai giảng, mới đây tập thể phụ huynh 4 lớp 6I, 6K, 7I, 7K trường Trung học Cơ sở Lê Lợi (thành phố Vinh, Nghệ An) đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ mô hình trường học mới VNEN, mong được tiếp tục chương trình học truyền thống.

Ngoài đơn chung, phụ huynh 2 lớp 7I và 7K tiếp tục gửi thêm đơn khẩn thết kiến nghị với nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng học chương trình này.

Trường Trung học Cơ sở Lê Lợi.


Bảy lý do phụ huynh vạch ra khiến VNEN không phù hợp cho con

Trong đơn, phụ huynh trường Trung học Cơ sở Lê Lợi (thành phố Vinh, Nghệ An) đã nêu ra 7 lý do cơ bản muốn bỏ chương trình VNEN bao gồm:

Thứ nhất, áp dụng VNEN khiến chất lượng học tập của con giảm sút trầm trọng.

Phụ huynh lớp 6I, 6K cho rằng sau 3 năm con họ học chương trình VNEN tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi, chất lượng học của các em sút kém hẳn.

Cụ thể: “chữ viết xấu, đọc một đường, viết một nẻo, không đúng chính tả, tư duy làm toán kém” và so sánh với “bè bạn cùng trang lứa không học chương trình VNEN thì thua hẳn”.

Kết quả thi của 2 lớp 6I và 6K cụ thể như sau: tại lớp 6I (tổng 35 em) thì có 19 em chưa đủ điểm, ở lớp 6K (tổng 35 em) có 25 em không đủ điểm, thậm chí có những em điểm thi môn Toán và Văn chỉ đạt 0,25 thuộc loại yếu kém.

“Với kết quả ấy, làm sao phụ huynh chúng tôi an tâm được”, anh Nguyễn Văn H. (phụ huynh học sinh lớp 6K) phân trần.

Thứ hai, cơ sở vật chất của trường không đủ để triển tiếp tục chương trình VNEN.

Chương trình VNEN đòi hỏi sự chuẩn bị công phu từ trang trí phòng học đến sách vở, cách bố trí bàn, ghế, bảng và các thiết bị dạy học đi kèm đều tốn một nguồn chi phí đáng kể.

Đặc biệt, trong bối cảnh, dự án VNEN đã giải ngân xong thì mọi chi phí đều đổ dồn lên vai các phụ huynh, trong khi không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện chi trả các khoản này.

Thứ ba, Sách giáo khoa “dài dòng văn tự xa rời lứa tuổi các em”.

Thứ tư, bố trí ngồi học theo nhóm vẹo cổ, lác mắt.

Biên bản họp phụ huynh nêu 7 lý do phụ huynh không thích VNEN.


Thứ năm, phương pháp tổ chức học theo nhóm “như học vẹt”, các em “nói chuyện riêng.

Nhóm nào không tự giác chỉ có nhóm trưởng hoàn thành bài học, đặc biệt, trong đơn, phụ huynh học sinh phản ánh:

“Sau khi cô giáo ra bài tập, các em tự bảo ban học tập, còn cô giáo lên bàn ngồi, em nào hỏi thì cô mới trả lời. Một tiết học được 45 phút làm sao đủ thời gian cho cô bày từng nhóm?”.

Thứ sáu, “theo chương trình hiện hành vẫn có thể vận dụng phương pháp dạy học mới, phát huy tính tực cực chủ động của học sinh”.

Thứ bảy, lý do rất quan trọng này là theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi triển khai chương trình VNEN phải được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh, nhưng phụ huynh 4 lớp 6I, 6K, 7I, 7K không đồng thuận, tại sao nhà trường vẫn không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ?

Trong đơn, phụ huynh học sinh cũng đã nêu con họ học sút kém không phải do chỉ số IQ, không phải do hoàn cảnh gia đình; phụ huynh đã làm hết cách như cho con học thêm ở nhà cô giáo, học thêm ở các trung tâm dạy học thêm.

Tuy nhiên, nhận thấy tình trạng không thể nào cải thiện được, nên nhóm phụ huynh đã khẩn thiết làm đơn kêu gọi nhà trường, Phòng và Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An không tiếp tục đưa con em họ ra “thí điểm”.

Vô cùng lúng túng

Chị Phan Thị Th. (đại diện cho phụ huynh học sinh lớp 7I) cho rằng:

“Vào năm học mới, nhưng chúng tôi rất hoang mang, tiến thoái lưỡng nan. Để con học theo chương trình trường học mới VNEN thì liệu sau này lên Trung học Phổ thông có học nữa không?

Nghe nói năm 2018 lại tiếp tục cải cách, thay Sách giáo khoa. Vào học một tuần rồi, nếu tiếp tục tình trạng kiến nghị như thế này sẽ gây nên tâm lý bất ổn cho cả phụ huynh và học sinh”.

Chữ kí phụ huynh học sinh trong đơn.


Anh Nguyễn Văn H. (phụ huynh học sinh Nguyễn Văn Tr. Lớp 6K) cho rằng:

“Biết là vào năm học mới rồi nhưng cực chẳng đã, chúng tôi phải làm đơn “tự cứu” con em mình, chứ nhà trường có họp hành, báo cáo, trao đổi gì với phụ huynh chúng tôi xung quanh chương trình VNEN này đâu?

Làm cha mẹ ở mình sao khốn khổ thế, lo ăn mặc, ốm đau, thuốc thang cho con đã bơ phờ, giờ còn lo chương trình học nữa!”.

Cũng theo anh Nguyên Văn H. vừa rồi, giáo viên thông báo cho các cháu lớp anh mua thêm Sách giáo khoa chương trình truyền thống:

“Con tôi đã mua, và các phụ huynh khác cũng đã mua. Cô giáo có hỏi ý kiến em nào tham gia học thêm, cơ sự này, chắc chắn chúng tôi phải cho con học thêm chương 2 môn Văn và Toán ở cô giáo, dù phải gánh thêm chi phí”.

“Điều tha thiết nhất của phụ huynh chúng tôi lúc này là làm sao nhà trường bỏ chương trình VNEN càng nhanh càng tốt, thêm ngày nào là chết ngày đó!

Tất cả 135 em học sinh đã mua Sách giáo khoa chương trình VNEN, nhưng nếu được học theo chương trình truyền thống, chúng tôi sẵn sàng vứt bỏ sách VNEN, mua sách truyền thống trang bị đầy đủ cho con học”, chị Đậu Thị H. (phụ huynh học sinh lớp 7K) quả quyết.

Tác giả bài viết: Lê Văn Vỵ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok