Thế giới

Bảy câu hỏi chưa lời giải trong vụ tấn công khủng bố kép ở London

Vụ đâm xe trên Cầu London (London Bridge) và tấn công bằng dao ở khu vực Borough Market thuộc thủ đô London của nước Anh xảy ra tối 3/6, làm 7 người thiệt mạng và 48 người bị thương vẫn để lại nhiều câu hỏi khúc mắc cho cơ quan điều tra và những người quan tâm.

Câu hỏi trước tiên mà ai cũng băn khoăn sau vụ tấn công khủng bố kép tất nhiên là: “Ai chịu trách nhiệm?”. Cảnh sát Anh đã tiêu diệt cả ba nghi phạm khủng bố và tới nay vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào đủ tin cậy lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Theo kênh CNN, đa số các vụ tấn công và âm mưu khủng bố ở phương Tây trong ba năm trở lại đây được chỉ đạo hoặc bị kích động bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Công tác khám nghiệm hiện trường trên cầu London ngày 4/6.


Bên cạnh IS cũng phải kể đến mạng lưới khủng bố tiền thân của chúng là Al Qaeda. Ba tuần trước, Hamza bin Laden – con trai trùm khủng bố Osama bin Laden của Al Qaeda – đã kêu gọi các chiến binh tấn công vào người dân ở phương Tây. “Nếu anh có thể cầm một khẩu súng, điều đó thật tốt, nếu không, các lựa chọn còn nhiều”, Hamza nói.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Al Qaeda dường như không thể hiện nhiều khả năng để lôi kéo hay chỉ đạo âm mưu tấn công ở phương Tây.

Thứ hai, nếu hai cuộc tấn công đẫm máu tối 3/6 tại London có liên quan tới IS, liệu nó có bị thôi thúc thực hiện theo tinh thần của IS, giống như tên Omar Mateen xả súng sát hại 49 người tại một câu lạc bộ đồng tính ở Orlando (Florida, Mỹ) năm ngoái.

Hay nó là một hoạt động mà IS trực tiếp chỉ đạo, như âm mưu tấn công bất thành năm 2015 nhằm vào triển lãm tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi tại Garland (bang Texas, Mỹ). Hai tên khủng bố người Mỹ trong âm mưu này đã liên lạc với một phiến quân IS ở Trung Đông để nhận chỉ thị.

Hoặc nó là một hoạt động huấn luyện chiến binh của IS, giống trưởng hợp khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Paris (Pháp) khiến 130 người thiệt mạng năm 2015.

Tính chất thô sơ “công nghệ thấp” của vụ tấn công ở London tối 3/6, trong đó các kẻ thủ ác sử dụng xe ô tô và dao lớn để làm vũ khí, đã gợi ra khả năng đây một vụ tấn công tự phát “hưởng ứng” IS.

Lực lượng chống khủng bố tuần tra tại London sau vụ tấn công tối 3/6.

Câu hỏi thứ ba, âm mưu này lớn tới mức nào? Từ những thông tin chúng ta đã nắm được, có ba nghi phạm tấn công. Phải chăng chúng là thành viên của một mạng lưới khủng bố lớn rộng hơn hay chỉ hành động đơn độc?


Thứ tư, liệu Tháng Ramadan của người Hồi giáo có vai trò gì không trong việc nảy sinh ra vụ tấn công khủng bố ở London mới đây. Tháng ăn chay Ramanda vừa mới bắt đầu cách đây một tuần đã ghi nhận một sự dấy lên của một số vụ tấn công khủng bố bởi vì IS đã kêu gọi rõ ràng các chiến binh tiến hành tiến công trong Tháng Ramadan.

Điển hình là năm ngoái, IS cũng kêu gọi tấn công trong lễ Ramadan và một trong những câu trả lời tổ chức này nhận được là của tên Omar Mateen, kẻ gây ra cuộc tấn công đẫm máu nhất ở nước Mỹ kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, tại thời điểm gần như tròn một năm trước.

Thứ năm, một khi các nghi phạm được xác định danh tính, liệu chúng có từng nằm trong danh sách của lực lượng thực thi phát luật hay không? Đây là trường hợp thường xuyên xảy ra. Chẳng hạn như vụ đánh bom liều chết xảy ra cách đây hai tuần tạisân vận động Manchester Arena khiến 22 người thiệt mạng. Hung thủ Salman Abedi từng bị chính gia đình hắn tố cáo với cơ quan chức năng do có những âm mưu tấn công nguy hiểm. Thủ phạm Khalid Massod đâm xe vào người đi bộ trên cầu Westminter ở London hồi tháng 3 cũng vậy.

Thủ tướng Theresa May phát biểu trước cửa tòa nhà số 10 Phố Downing, tuyên bố nước Anh đã quá khoan dung với chủ nghĩa cực đoan.

Và câu hỏi thứ sáu được đặt ra rằng, sau vụ tấn công khủng bố thứ ba trong vòng ba tháng ở Anh, hậu quả chính trị nào sẽ xảy đến đối với cuộc tổng tuyển cử tại Anh sắp sửa được tổ chức hôm 8/6, nhất là nếu cử tri Anh cảm thấy chính phủ đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản là đảm bảo an toàn cho họ.


Thông thường các vụ tấn công khủng bố thường dẫn tới hiệu ứng người dân đoàn kết lại ủng hộ chính phủ giống như tình huống sau vụ khủng bố 11/9, khi đó Tổng thống George W. Bush đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ công chúng.

Nhưng trong tình huống này, công chúng Anh có thể sẽ quan ngại rằng sẽ tiếp tục diễn ra một vụ khủng bố khác và chính phủ không có sự ngăn chặn thích đáng. Liệu sẽ có hay không một phản ứng chính trị mạnh mẽ chống lại Thủ tướng Theresa May, khi mà đảng cầm quyền Bảo thủ của bà thường có truyền thống “cứng rắn hơn” với chủ nghĩa khủng bố hơn là với đối thủ chính là Công đảng.

Cần phải nhớ lại rằng vụ tấn công khủng bố ở Madrid, Tây Ban Nha năm 2004 gây ra cái chết của 191 người chỉ cách ngày bầu cử của nước này có ba hôm để hiểu ra rằng một vụ tấn công ngay sát ngày bầu cử sẽ dẫn tới một hậu quả khó lường trước. Thủ tướng đương nhiệm Tây Ban Nha lúc đó là Jose Aznar, người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến Iraq do Mỹ đứng đầu, đã bị thất bại trước một đối thủ là người có quan điểm rút quân khỏi chiến trường Iraq. Vụ tấn công khủng bố ở Madrid thường được đánh giá là nhân tố chính khiến cho Thủ tướng Aznar, người luôn dẫn trước trong các cuộc thăm dò trước đó, bị thất cử.

Câu hỏi thứ bảy: Cần phải làm gì? Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên Twitter ngay sau vụ tấn công ở London rằng đề nghị của chính quyền Mỹ về việc cấm du lịch tạm thời với công dân 6 quốc gia có đa số là người Hồi giáo cần được hợp pháp hóa.

Ngay bây giờ, tất nhiên, sắc lệnh đó đang bị tạm hoãn bởi ngành tư pháp Mỹ. Nhưng lệnh cấm du lịch chỉ là một giải pháp nhằm tìm ra vấn đề mà nó không hề tồn tại. Những kẻ thủ ác trong các vụ khủng bố ở phương Tây thường là thế hệ thứ hai được sinh ra tại chính các nước này chứ không phải là những người vừa mới nhập cư hoặc những người tị nạn.

Một thực tế khó khăn là các vụ tấn công sử dụng phương tiện giao thông ở các điểm công cộng rất khó có thể ngăn chặn trong một xã hội tự do và cởi mở.

Cách bảo vệ tốt nhất khỏi các tấn công này là có thông tin tình báo tốt và các thông tin này thường được thu lượm từ chính bên trong cộng đồng Hồi giáo. Để thu thập thông tin tình báo đòi hỏi không được xa lánh người Hồi giáo mà động viên họ báo cho chính quyền biết những người họ thấy đang bị cực đoan hóa hoặc những người đang chuẩn bị tiến hành một vụ tấn công nào đó.



Tác giả: Hoàng Trang

Nguồn tin: Báo Tin Tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok