Thể thao

Bầu Đệ trở lại Thanh Hóa: Tốt cho xứ Thanh, nhưng có tốt cho... V-League?

Sau bao biến cố, CLB bóng đá Thanh Hóa cũng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Ông bầu Nguyễn Văn Đệ sau 4 năm lui vào hậu trường đã trở lại, đồng ý tiếp quản đội bóng. Đó là tín hiệu tốt cho bóng đá Thanh Hóa, nhưng đặt ra nhiều câu hỏi cho bức tranh bóng đá Việt thời gian tới.

Tư duy cấp tiến

Phải khẳng định ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thanh Hóa là một người tâm huyết với bóng đá tỉnh nhà. Trong 4 năm làm chủ tịch (2011-2015), người đàn ông vẫn được biết tới với danh xưng “bầu Đệ” đã từng bước đưa Thanh Hóa thành thế lực ở giải VĐQG.

Trong giai đoạn trước làm Chủ tịch CLB Thanh Hóa, bầu Đệ từng gây nhiều tranh cãi vì tính cách nóng nảy, bộc trực.

Ở bầu Đệ, cái người ta đánh giá cao nhất là sự giản dị chất phác và trên hết, ông sở hữu tư duy tổ chức bóng đá cấp tiến vượt thời đại. Với ông Đệ, đội bóng không phải tài sản cá nhân mà là đứa con tinh thần của người dân Thanh Hóa. Bằng cách tiếp cận ấy, thay vì để Thanh Hóa dựa dẫm vào nguồn tiền của 1-2 cá nhân tổ chức, ông cố gắng tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, đem đến sự ổn định cho bóng đá Thanh Hóa.

Là người có tiếng nói trong giới doanh nghiệp, ông Đệ từng nghĩ ra một công thức rất hay để vận hành đội bóng. Khi nhận việc vào năm 2011, ông đã kêu gọi hơn 40 doanh nghiệp trong tỉnh chung tay, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tài trợ 1 tỷ. Như vậy, ngân sách hoạt động của Thanh Hóa rơi ở mức trên dưới 40 tỷ, con số không lớn nếu so sánh với các đại gia thời đó như Bình Dương hay Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) nhưng là dư thừa để tham gia V-League. Quan trọng nhất, cách làm ấy giúp các doanh nghiệp không cảm thấy áp lực khi tham gia bóng đá và điều đó có nghĩa, sự cam kết của họ với bóng đá sẽ lâu dài.

Ngày ông Đệ cầm đội, Thanh Hóa không giàu nhưng chắc chắn chẳng nghèo. Họ có đủ tiền để xây dựng một đội hình giàu sức chiến đấu, có đủ tài chính để sẵn sàng tung ra những cú doping tiền thưởng trong những trận cầu then chốt.

Khỏe tài chính, ông Đệ an tâm tập trung xây dựng Thanh Hóa, biến CLB này thành đội bóng giàu bản sắc nhất nhì Việt Nam. Trong 3 năm (2011-2014), sân Thanh Hóa luôn là SVĐ có lượng khán giả đông đảo nhất. Số lượng cầu thủ bản địa đóng góp cho tỉnh nhà cũng cao thứ hai V-League, chỉ xếp sau lò SLNA giàu truyền thống.

Ngày ấy, ông Đệ cũng khiến các nhà tổ chức tròn xoe mắt khi “phát minh” ra biện pháp phòng ngừa nạn pháo sáng của CĐV Hải Phòng, vấn đề nóng của dư luận bóng đá một tuần qua sau sự cố trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 V-League 2019.

Cũng ở vòng 6 V-League 2013, những CĐV Hải Phòng đến sân Thanh Hóa cổ vũ trận đấu vòng 6 V-League 2013 đã phải “mắt tròn, mắt dẹt” trước thông báo từ BTC sân này: “CĐV nào vào sân cố tình đốt pháo sáng sẽ bị phạt 50 triệu đồng, ai tố giác được thưởng 20 triệu đồng”. Tất nhiên, không ai cổ xúy cho cách ứng xử “lệ làng” này nhưng rõ ràng, sân Thanh Hóa ngày hôm ấy không còn xuất hiện tình trạng pháo sáng. Dù luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí có thời điểm “tưởng là vỡ sân” nhưng sân Thanh Hóa, quả thực, là một trong những sân bóng có công tác an ninh tốt nhất Việt Nam.

Không quá khi nói rằng, bóng đá xứ Thanh trong thời gian gắn bó với bầu Đệ là giai đoạn thịnh vượng và bền vững nhất.

Quả bom nổ chậm

Đằng sau hình ảnh ông bầu nhiệt huyết, Nguyễn Văn Đệ còn là cái tên khiến các nhà tổ chức bóng đá chuyên nghiệp ái ngại. Ông tận tâm với bóng đá Thanh Hóa thì cũng gây ra bấy nhiêu sóng gió cho chính trường bóng đá. Ít nhất 5 lần, ông Đệ dọa bỏ giải và đôi lúc bất chấp cả các quy chuẩn, luật lệ để đòi hỏi quyền lợi cho bóng đá Thanh Hóa.

Giống như bầu Kiên của Hà Nội ACB, ông Đệ đôi khi “vì yêu mà mất hết lý trí”. Ông thường xuyên xuất hiện trong cabin huấn luyện, làm thay cả việc của HLV trưởng và sử dụng cầu thủ khá cảm tính, kiểu “chú quý ai thì người đó đá chính”.

Đến một HLV nổi tiếng điềm đạm và nhã nhặn như Mai Đức Chung cũng phải “chào thua” ông Đệ sau 1 năm làm việc. Đó là tháng 07-2014, ông Chung “gái” nộp đơn từ chức vì không chịu được ông Đệ. Thời điểm ấy, mùa giải chỉ còn 3 vòng và Thanh Hóa vừa thua Long An 0-2, đứng trước nguy cơ rơi khỏi tốp 3. Sốt sắng trước thành tích đội nhà, ông Đệ tuyên bố bằng mọi giá, Thanh Hóa phải vào tốp 3. Làm được, ông Mai Đức Chung sẽ được thưởng 400 triệu còn nếu không, HLV họ Mai sẽ phải chịu phạt 400 triệu.

Với lãnh đạo ngành, nhất là bộ phận tổ chức thi đấu của VPF, ông Đệ thực sự là cái gai trong mắt. Cuối tháng 7-2013, ông tự mình tổ chức họp báo, giãy bày khúc mắc quanh trận đấu Thanh Hóa thua XMXT.Sài Gòn 1-2. Ông nhấn mạnh đến chi tiết sau trận đấu, trưởng BTC giải Trần Duy Ly đã nói chuyện về tình huống phút 84, trọng tài Phùng Đình Dũng không cắt còi Moses để bóng trôi hết biên ngang là sai. Sau pha bóng này, Đức Linh ghi bàn thứ hai cho XMXT Sài Gòn khiến Thanh Hóa thua cuộc.

Bầu Đệ dẫn chứng ông Ly trưởng giải không trung thực khi khẳng định trọng tài sai và còn hứa hẹn xử lý nghiêm nhưng đến hôm sau khi soi băng thì nói ngược lại, rồi còn xuýt xoa “tôn vinh” trọng tài dũng cảm. Bầu Đệ ấm ức đưa ra thêm hai trận đấu khác để khẳng định đội của mình thiệt thòi.

Chuyện sẽ có chẳng có gì nghiêm trọng nếu ông Đệ không gọi VPF là “mafia”, nhưng chính ông đã im lặng khi bị bầu Kiên, Phó chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ I “bóc phốt” hối lộ trọng tài 100 triệu trong trận Thanh hóa thắng dễ HAGL.

Ở ông Đệ luôn tồn tại song song hai bộ mặt. Vì thế, việc ông tái xuất là tín hiệu tích cực với bóng đá Thanh Hóa, nhưng lại báo hiệu những ngày giông bão sắp tới cho bóng đá Việt Nam. Với ông Đệ, những cú nổ lớn đã trở thành bản sắc không thể lẫn lộn.

Tác giả: Hà My

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: Bầu Đệ , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok