Thế giới

Bầu cử ở Pháp: Ông Macron, LREM đã... cưỡi trên lưng hổ

Vòng bầu cử Quốc hội thứ 2 ở Pháp ngày 18.6 không còn quyết định phe cánh của Tổng thống Emmanuel Macron và Đảng La Republique En Marche (LREM) giành về được đa số trong Quốc hội mới, mà quyết định đa số trong Quốc hội lớn đến mức nào.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) bắt tay người ủng hộ ở Le Touquet, ngày 17.6.2017. Ảnh: Reuters

Nhưng dù đa số này có với mức độ lớn nhỏ như thế nào, thì cũng đủ để ông Macron có được sự hậu thuẫn chính trị cần thiết cho cuộc cách mạng mà ông cam kết tiến hành khi vận động tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, làm cách mạng dễ mà khó.

Dễ

Làm cách mạng - đó là nội hàm cương lĩnh tranh cử của ông Macron. Nó đã giúp ông Macron đắc cử tổng thống và bây giờ trở thành vừa biểu tượng, vừa tiêu chí cho thành công hay thất bại của nhiệm kỳ cầm quyền này. Nhưng kể cả trong hai vòng bầu cử Quốc hội Pháp, không phải cử tri nào bỏ phiếu cho các ứng viên của LREM cũng đều hiểu cuộc cách mạng này thực chất là gì. Ngay đến cả ông Macron cho tới nay cũng chưa bộc lộ được thật rõ ràng và thật cụ thể về nội dung của cuộc cách mạng này. Thiên hạ chỉ biết rằng, ông Macron tranh thủ cử tri bằng cam kết đưa lại sự khởi đầu mới về chính trị cho nước Pháp.

Mới thật sự tức là phải khác trước rất cơ bản. Mới và khác có nghĩa là chính sách mới, cách thức cầm quyền mới, nhân sự mới trong cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chiêu thức này giúp ông Macron cách biệt mình với các chính trị gia khác, và tách biệt Đảng LREM của mình với các đảng phái chính trị khác. Nó nhằm trực diện vào tâm lý rất phổ biến trong tâm lý cử tri ở Pháp là ngán ngẩm giới chính trị, không còn tin vào những đảng phái thần thế lâu nay trên chính trường, đặc biệt đối với Đảng Xã hội, Đảng Cộng hoà (bảo thủ) hay Đảng Mặt trận quốc gia cực đoan.

Thắng cử của ông Macron và LREM trong cả bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc hội chỉ sau chưa đầy 16 tháng kể từ khi ông Macron thành lập Đảng LREM, chỉ có thể lý giải được không phải trước hết ở chỗ ông Macron và Đảng LREM chinh phục được đa số cử tri, mà chính là ở chỗ cử tri không còn tin tưởng và thậm chí còn cả muốn trừng phạt những đảng lớn kia, không thích cực đoan thái quá và muốn chính trường hoàn toàn khác. Họ chưa hẳn đã tin tưởng và tin cậy ông Macron với LREM, mà buộc phải chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu, và thà chấp nhận cuộc cá cược chính trị mạo hiểm, còn hơn là lại xài những món ăn chính trị đã trở nên quá nhàm chán.

Từ góc độ pháp lý, ông Macron bây giờ có đủ tiền đề thuận lợi để làm cuộc cách mạng nói trên. Với đa số lớn trong Quốc hội, ông Macron có được vị thế quyền lực thuận lợi mà những người tiền nhiệm kể từ ông Francois Mitterrand đều không có được. Trên danh nghĩa, với tương quan quyền lực như thế trong Quốc hội và bầu không khí chính trị xã hội như thế, ông Macron muốn làm gì chả được, muốn có luật nào mà chẳng được Quốc hội thông qua, dân chúng lại đang trong làn sóng ngưỡng mộ và ủng hộ.

Khó

Tuy nhiên, cái khó đi liền với cái dễ như hình với bóng. Với hơn 200 trong tổng số 577 nghị sĩ của Quốc hội là người mới mẻ hoàn toàn trên chính trường, ông Macron có thể dễ dàng sử dụng điều này làm biểu tượng cho “sự khởi đầu thật sự mới về chính trị cho nước Pháp”, tức là cho cuộc cách mạng. Người mới mang theo tư duy chính trị mới, cách làm việc mới và các mối quan hệ mới vào Quốc hội và Chính phủ, làm việc trên lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với họ nên khác trước là chắc chắn. Nhưng khác trước không đồng nghĩa với thành công, và những người mới này có thành công hay không lại là chuyện hiện chưa thể chắc chắn, và chỉ có thể hạ hồi mới phân giải nổi.

Cái khó đối với ông Macron và LREM ở chính ngay đa số ấy. Đa số quá áp đảo trong nghị viện sẽ bóp nghẹt phe đối lập, sẽ ngăn cản mọi sự biểu hiện quan điểm trái chiều từ đối lập đến phản biện. Đằng sau cái thuận lợi cho ông Macron và LREM là nguy cơ trở thành độc quyền và độc đoán ở Pháp, là nhanh chóng trở nên xơ cứng và giáo điều trong tư duy cầm quyền, là khả năng dễ dàng trở nên ngạo mạn về quyền lực và xa rời thực tế, từ đó cứ dần xa rời lý tưởng, mục tiêu phấn đấu ban đầu, vẫn làm nên cuộc cách mạng nhưng không phải là cuộc cách mạng với mục đích và nội dung ban đầu nữa.

Cái khó đối với ông Macron và LREM là sự không thuần nhất về nhân sự trong nội bộ đảng. Hiện tại, đảng này tồn tại và thắng thế dựa chủ yếu vào cá nhân ông Macron. Nhiều cử tri Pháp ủng hộ đảng này không phải vì cương lĩnh của đảng, mà vì lãnh đạo đảng là ông Macron. Về lâu dài, điều này chỉ lợi bất cập hại cho đảng. Cho nên mới nói, ông Macron và Đảng LREM giờ có được quyền lực, nhưng cũng chắc khác gì đã cưỡi trên lưng hổ.

Tác giả: Ngạc Ngư

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok