Khu vực cảng Đại Dương, nơi phát hiện vụ việc. ẢNH MINH HẢI |
Ngày 13.3, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc có hay không Công ty TNHH xuất nhập khẩu - dịch vụ Viết Nam (gọi tắt là Công ty Viết Nam, địa chỉ tại Hà Nội) cùng với Nhà máy xi măng Hoàng Mai (Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai, địa chỉ tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) tổ chức làm giả nhãn mác xi măng Long Sơn (Công ty TNHH Long Sơn, địa chỉ tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) để xuất khẩu lô hàng xi măng tới 21.000 tấn.
Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, đầu tháng 1, qua công tác nắm tình hình, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện một lô hàng xi măng giả nhãn mác xi măng Long Sơn để xuất khẩu ra nước ngoài. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa đã giao Cục Hải quan Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Đến cuối tháng 1, lực lượng Hải quan Thanh Hóa bắt quả tang Công ty Viết Nam đang vận chuyển hàng xuống tàu Tan Binh 236, tại cảng Đại Dương, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Tại chỗ, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, có khoảng 12.000 tấn xi măng được đưa xuống tàu, 6.000 tấn khác đang trong kho bãi chuẩn bị đưa xuống tàu. Tổng số xi măng này nằm trong hợp đồng cung cấp 21.000 tấn xi măng Long Sơn mà Công ty Viết Nam ký cung cấp cho một đơn vị của nước ngoài.
Khu vực cảng Đại Dương, nơi Công ty Viết Nam đang tổ chức đưa xi măng giả nhãn mác xi măng Long Sơn để xuất khẩu thì bị lực lượng chức năng phát hiện ẢNH GOOGLE MAPS |
Làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện Công ty TNHH Long Sơn khẳng định lô hàng trên không phải là sản phẩm của công ty và công ty này cũng không có hợp đồng cung ứng 21 tấn xi măng Long Sơn ra nước ngoài theo như hợp đồng của Công ty Viết Nam.
Tiến hành xác minh, Cục Hải quan Thanh Hóa xác định số xi măng trên là của Nhà máy xi măng Hoàng Mai được đóng trong bao bì mang nhãn mác xi măng Long Sơn. Còn Công ty Viết Nam là đơn vị chuyên đấu mối với đối tác nước ngoài, sau đó đặt hàng với các doanh nghiệp sản xuất xi măng để xuất khẩu.
Do vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết, Cục Hải quan Thanh Hóa đã chuyển vụ việc cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, sau khi căn cứ theo các quy định của pháp luật, Công an Thanh Hóa đã chuyển vụ việc cho Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, xử lý.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Quý Thạch, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai, cho biết sau khi phát hiện sự việc, công ty đã chủ động mời công an đến làm việc để điều tra làm rõ. Hiện, công an đang điều tra, chưa kết luận nên công ty chưa thể cung cấp thông tin.
Ông Thạch cũng cho biết thêm, công ty đã tạm đình chỉ một cán bộ phụ trách giao nhận hàng của công ty để chờ công an điều tra làm rõ vụ việc.
Tác giả: Khánh Hoan
Nguồn tin: Báo Thanh Niên