Trong tỉnh

​Bất thường trong luân chuyển giáo viên: Huyện nói thầy cô chống lệnh

Ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định lại cho rằng, quyết định của UBND huyện là “mệnh lệnh”, chống lệnh là sai.

Như VOV đã phản ánh về những bất thường trong luân chuyển giáo viên tại huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều giáo viên bất bình, dư luận hoài nghi.

Được biết UBND huyện Yên Định đã mời một số giáo viên có đơn thư lên làm việc tuy nhiên thay vì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo, lãnh đạo huyện dường như lại thách thức, dọa nạt, vì cho rằng thầy cô đang chống “lệnh” của huyện.

Nhiều quyết định được thu hồi chỉ sau 12 ngày ban hành.

Theo thông tin phóng viên VOV có được, buổi làm việc diễn ra hết sức căng thẳng, trong khoảng 1 giờ, với sự tham gia của lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo, thầy cô giáo có đơn thư khiếu nại; đại hiện UBND huyện là ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định.

Ông Nguyễn Thiện Chinh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Định làm việc với phóng viên VOV.

Ý kiến của các giáo viên tập trung vào những quyết định luân chuyển, điều động của UBND huyện thực hiện trái quy định (như VOV đã phản ánh trong những bài trước). Thầy giáo Trịnh Văn Thủy, đặt câu hỏi, tại sao đã 2 lần đi “nghĩa vụ” vẫn tiếp tục bị điều động lần 3.

"Bản thân tôi không thuộc đối tượng điều động vì được ưu tiên, theo điều 4 tôi được ưu tiên số 1. Đến thời điểm này trường tôi, tôi là người duy nhất ở trường đã thực hiện 2 lần điều động, lần thứ nhất là UBND tỉnh đi miền núi, lần 2 là UBND huyện điều động ở trường Định Công. Đến thời điểm hiện tại tôi bị điều động đi tiếp là không hợp lý, căn cứ vào quyết định 3678 điều động tôi đi là sai", thầy Thủy nói.

Rất nhiều lần thầy Thủy có đơn kiến nghị nhưng không được xem xét.

Còn đối với trường hợp cô giáo Hoàng Thị Minh Ngà đã hoàn thành nghĩa vụ điều động 3 năm vẫn không được xem xét sắp xếp, bố trí theo nguyện vọng. Cô giáo Hoàng Thị Minh Ngà bày tỏ: "Nguyện vọng của tôi là mong các đồng chí thực hiện đúng công văn số 198 để bản thân tôi đỡ vất vả, các đồng chí nghĩ xem, một mình đàn bà con gái đi năm mươi mấy km để dạy học mà các đồng chí gây khó khăn như thế thì liệu rằng có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được không?".

Liên quan đến những quyết định được cho là trái quy định này, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Yên Định giải thích, việc thực hiện luân chuyển, điều động hàng trăm giáo viên không tránh khỏi những thiếu sót. Phòng sẽ kiến nghị huyện thành lập đoàn thanh tra về những kiến nghị của giáo viên.

Trong khi đó, ở góc độ quản lý, ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định lại cho rằng, quyết định của UBND huyện là “mệnh lệnh”, chống lệnh là sai: "Chấp hành mệnh lệnh hành chính phân công nhiệm vụ, chúng tôi là người quản lý, chúng tôi ra quyết định thì người thi hành phải thi hành, sai có quyền khiếu nại, chứ đã thi hành đâu mà sai. Anh chưa làm có nghĩa tôi chưa sai, anh đang chống tôi, tôi xử lý anh trước".

Cho rằng ý kiến của ông Lê Xuân Thành chưa thấu tình đạt lý, một cô giáo trong diện luân chuyển nêu ý kiến: “Chúng tôi biết rõ quyết định trái quy định, không đúng, mà vẫn thực hiện thì có phải chúng tôi đang đồng lõa với cái sai không? Cấp trên phân công công việc bắt buộc phải thi hành dù thế nào, chỉ là khó khăn gian khổ chúng tôi không được thoái thác, trốn tránh nhiệm vụ chứ còn sai mà vẫn phải thực hiện hoặc vào Đảng vẫn phải đáp ứng, phục tùng kể cả sự phân công của lãnh đạo sai thì nói thật tôi xin ra khỏi Đảng".

Không chỉ tại huyện Yên Định mà tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc tuyển dụng, luân chuyển giáo viên lâu nay ít nhiều để lại điều tiếng chưa tích cực vì cách làm thiếu công khai, minh bạch. Việc luân chuyển, sắp xếp hàng trăm giáo viên, tất nhiên không thể hoàn mỹ cho mọi người. Thế nhưng, ý kiến, nguyện vọng của giáo viên là chính đáng, nên cầu thị, lắng nghe để có sự điều chỉnh cho hợp lý. Không nên xem đó là những “đối tượng cứng đầu” (như cách dùng từ của lãnh đạo huyện Yên Định)./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok