Dựa trên quy định về đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014 và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22-9-2016 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT) và Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, tôi nhận thấy có những điều bất ổn.
Mâu thuẫn giữa quy định cũ và mới
Theo Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH, từ năm học 2017-2018, các nhà trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, các trường đổi mới thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau. Có thể đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm hoặc đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Các giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS và THPT).
Học sinh TP HCM xem lại đề bài sau một kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực Ảnh: TẤN THẠNH |
Theo Thông tư 22, đề kiểm tra định kỳ phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 4 mức, đáng chú ý là mức 4 (vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt - Trích điều 10, mục 2c).
Nhưng Văn bản số 4612 nêu trên lại quy định "Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành".
Như vậy, đề kiểm tra của học sinh tiểu học sẽ không thể đạt được mức 4 vì đa số nội dung kiểm tra nhằm phân hóa học sinh đều được giáo viên ra đề đều có phần nâng cao so với nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải tư duy.
Bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt của tiểu học sẽ bao gồm 2 phần: đọc và viết. Trong đó, phần đọc thầm sẽ được giáo viên chọn bài ngoài sách giáo khoa để rèn cho học sinh kỹ năng đọc - hiểu và trả lời câu hỏi liên quan đến nội dung của bài đọc.
Do đó, trong năm học mới 2017-2018, các bài kiểm tra định kỳ ở phần đọc thầm sẽ được giáo viên chọn bài trong sách giáo khoa hay bài chọn ngoài (ngoài sách giáo khoa). Nếu là bài chọn ngoài, giáo viên và ban giám hiệu đã vi phạm quy định trong Văn bản số 4612.
Biến tướng khen thưởng
Việc khen thưởng học sinh cuối năm ở một số trường vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, khen không đúng đối tượng hoặc không đúng nội dung khen; có nơi còn làm "biến tướng" giấy khen dẫn đến những phản ứng không đáng có của học sinh, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Với cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo Văn bản số 4612 thì tỉ lệ học sinh được khen thưởng vào cuối năm học sẽ có chiều hướng gia tăng vì nội dung kiểm tra định kỳ đều được giáo viên chọn trong sách giáo khoa. Những bài học các em đã được học trên lớp, học sinh chỉ việc thuộc lòng và viết lại một cách "máy móc" là có thể đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra, đánh giá.
Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể vì học sinh đang trong giai đoạn chuẩn bị kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2017-2018 để giúp giáo viên và ban giám hiệu nhà trường có kế hoạch thực hiện; tránh tình trạng ban giám hiệu chờ "hướng dẫn", thầy chưa biết phải "làm thế nào?", phụ huynh thì hoang mang, trò mệt mỏi để thực hiện theo.
Tránh đánh giá mơ hồ TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - nhận định chủ trương thay đổi cách đánh giá thì tốt nhưng phải có biện pháp để kiểm soát, tránh mơ hồ. "Ví dụ, một nghiên cứu giao cho nhóm học sinh làm, có khi chỉ một em làm thôi, các em còn lại chỉ việc chép. Nếu giáo viên quản lý không tốt, cứ ra bài tập rồi kệ học sinh thì mèo lại hoàn mèo. Cái chính là do phương pháp của từng giáo viên, các thầy cô phải hết sức tỉ mỉ, tâm huyết thì việc thay đổi này mới có kết quả tốt" - TS Lâm dẫn chứng. Y.ANH |
Tác giả: ThS Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa; quận Bình Thạnh, TP HCM)
Nguồn tin: Báo Người lao động