Giáo dục

Bắt gặp con tôi nằm ngủ còng queo trong lễ bế giảng

Nếu có ai hỏi khoảnh khắc nào ám ảnh nhất trong đời tôi, có lẽ đó là khoảnh khắc tôi đứng ở bục sân khấu trong lễ bế giảng của con trai lớn đang học lớp lá, và nhìn quanh không thấy con trai nhỏ của mình đâu (hai anh em học chung trường).

Minh họa: NOP

Ánh mắt tôi bỗng dừng lại ở đó, chỗ bục ximăng nhô ra khỏi khung cửa sổ giả, một dáng người bé nhỏ nằm cong như con tôm, ngủ mệt mỏi giữa hàng trăm người ồn ào náo nhiệt trong lễ bế giảng.

Tôi còn nhớ như in bộ đồ con mặc hôm đó, áo sơmi trắng cổ lãnh tụ bằng vải cotton có hàng cúc thêu viền chỉ, quần tây thụng sọc carô đen trắng. Lúc mặc quần áo cho con ra khỏi nhà, tôi nhìn con cười cười rồi bảo: Ai mà mặc đồ đẹp dữ ta! Con trai út tôi còn trả lời: Con mẹ chớ ai!

Vậy mà sau vài tiếng không gặp, con trai nhỏ của tôi đã nằm cheo leo trên chiếc vách giả, nằm ngủ giữa tiếng ồn ào lao xao của hàng trăm người ở đó. Vào thời khắc đó, tôi tự hỏi mình, điều gì đã xảy ra với dáng nằm đó, và nó diễn ra bao lâu rồi?

Tôi khẽ đánh thức con dậy, và quyết định chở con trở về, bỏ qua cả cuộc họp phụ huynh cuối năm cho anh trai con. Tôi cũng quyết định cho con ở nhà, không đi học nữa.

Bạn hỏi quyết định nào khiến tôi tự hào nhất trong đời? Đó không phải là những quyết định về công việc, sự nghiệp. Đó chính là quyết định cho con nghỉ học năm ấy.

Tôi đã nhận được những câu hỏi mỉa mai, kiểu như: “Không đủ tiền cho con đi học chứ gì?” của ai đó. Tôi cũng nhận không ít lời phàn nàn, bàn ra, góp ý, ái ngại của nhiều người thân.

Mọi người cho rằng quyết định của tôi là phi lý, bất thường, gây ra bất tiện cho sinh hoạt của gia đình, thiệt thòi cho con trai tôi. Bỏ qua tất cả những lời đó, tôi tiếp tục giữ lại quyết định của mình. Con trai tôi đã ở nhà suốt một năm sau đó, vào năm cháu 4 tuổi. Một năm sau, tôi mới cho con mình vào học lớp lá ở một trường khác, chuẩn bị cho con vào lớp 1.

Tại sao tôi quyết định cho con nghỉ học ở nhà một năm, trong điều kiện gia đình neo người, phải chăm sóc ba đứa trẻ cùng một lúc? Tại sao lại quyết định cho con nghỉ ở nhà trong thời điểm con tròn 4 tuổi, lứa tuổi cần đi học để chuẩn bị hòa nhập vào lớp 1? Tại sao tôi lại quyết định cho con ở nhà, dù mẹ quá bận bịu?

Vì vào khoảnh khắc thấy con mình nằm ngủ chèo queo giữa bục ximăng nhô ra chỗ cánh cửa sổ, trong tạp âm của hàng trăm con người, với dáng hình cong như một con tôm nhỏ, tôi hiểu rằng đứa trẻ đó, con tôi, đang bị tổn thương.

Tôi hiểu rằng đứa trẻ đó cần được ôm, được xoa đầu, được vỗ về nhiều hơn là được dạy dỗ. Tôi hiểu rằng sự cô độc đó chỉ có tôi, và ông ngoại của cháu, có thể hóa giải được. Tôi hiểu rằng cháu không sẵn sàng hòa nhập vào thế giới này với trái tim mong manh đó; và tôi hiểu rằng đó là một tiếng còi báo động cho vai trò làm mẹ của tôi.

Tôi bắt đầu nghĩ đến một công việc khác, một hành trình trở về với chính mình, để có thể lan tỏa hạnh phúc cho đứa trẻ của mình. Tôi quyết liệt chấp nhận rủi ro, chuyển việc. Tất cả những gì tôi làm suốt ba năm đó chính là tìm đường về với con, là hòa nhập vào con, trả lại hạnh phúc thực sự cho cháu.

Ba năm qua, cậu bé có dáng nằm con tôm nhỏ xưa kia trên bục ximăng đó đã vào lớp 1. Nhiều người hỏi tôi là cháu có ngoan không, có học giỏi không? Tôi nào có quan tâm. Điều duy nhất tôi quan tâm, đó là, con tôi có hạnh phúc không?

Thấy cháu diễn kịch, chơi đùa với anh chị, ngồi hát nghêu ngao hứng thú một bài hát, trả lời những câu hỏi theo kiểu ông cụ non láu lỉnh, kết luận một cuộc tranh cãi chỉ bằng một câu nói luôn gây ra bất ngờ, với tôi vậy cũng đã đủ rồi. Cháu cười nhiều, biết xin mẹ cho ngủ cùng những lúc cháu thấy cần mẹ, biết ngồi im trong lòng mẹ những lúc cảm thấy mẹ cần ôm. Cháu bình yên và hồn nhiên.

Bạn hỏi dạy con ngoan có khó không? Tôi không biết. Vì thứ nhiệm vụ tôi theo đuổi suốt đời không phải là dạy con ngoan, mà là để con được hạnh phúc. Muốn biết con mình có hạnh phúc không, hãy nhìn vào mắt chúng. Hãy ôm chúng, im lặng, hãy tận hưởng những khoảnh khắc chỉ có chúng ta với nhau.

Trong đời tôi chứng kiến, hạnh phúc thường không thể hiện bằng lời nói, cũng không thể hiện bằng quà cáp. Nó thường biểu hiện bằng ánh mắt chúng ta nhìn nhau, bằng vòng tay chúng ta dành cho nhau, và bằng những khoảng lặng im giữa hai người. Cả mẹ con hay bố con hay anh em hay tất cả, đều chỉ có vậy thôi...

“Bạn hỏi dạy con ngoan có khó không? Tôi không biết. Vì thứ nhiệm vụ tôi theo đuổi suốt đời không phải là dạy con ngoan, mà là để con được hạnh phúc"

Tác giả bài viết: Ngô Phương Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok