Từ metro TPHCM…
Khoảng tầm này năm ngoái, khi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP HCM được đẩy nhanh tiến độ để kịp hoạt động vào năm 2020, ngay lập tức, thị trường bất động sản đã có những phản ứng mà theo như ông Macrc Townsend – Tổng Giám đốc Điều hành của CBRE Việt Nam nhận định: “Cuộc chơi sẽ chứng kiến những đổi thay ngoạn mục”.
Bởi về lý thuyết, một tòa nhà nằm gần trạm trung chuyển công cộng thường có giá thuê hoặc giá bán cao hơn so với những tòa nhà nằm xa hơn vì hệ thống giao thông công cộng tốt cho phép cư dân sống gần đó dễ dàng di chuyển đến các điểm quan trọng. Điều này đã được kiểm chứng tại một số quốc gia với giá bán nhà tại những nơi gần hệ thống giao thông công cộng có giá trị cao hơn từ 6% đến 45%.
Roman Plaza (Hà Nội) là một trong những dự án có lợi thế vượt trội nhờ nằm trên đường Tố Hữu có tuyến BRT đi qua (ảnh phối cảnh) |
Một phân tích từ bộ phận nghiên cứu của CBRE cho thấy, ngay từ cách đây 3,4 năm, số lượng căn hộ chào bán tăng mạnh tại các khu vực có tuyến tàu điện ngầm chạy qua, chủ yếu nằm ở quận 2 và quận 9. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nguồn cung căn hộ tại quận 2 là 36%, so với 24% tại quận 4 hay 10% tại quận 7. Đến năm 2017 này, nguồn cung căn hộ tại quận 2 và quận 9 dự kiến tăng mạnh lần lượt là 58% và 200%.
Tương tự, tổng diện tích sàn xây dựng các trung tâm thương mại dự kiến sẽ tăng 10% tại quận 2 trong vòng ba năm tới… “Trong tương lai, khi tuyến tàu này đi vào hoạt động, giá đất của khu vực cách ga tàu điện trong vòng mười phút đi bộ có thể tăng 10 – 20% so với giá đất ở các khu vực khác”, CBRE dự đoán.
Rõ ràng việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở TPHCM là một sự kiện quan trọng của thành phố và tạo thêm nhiều cơ hội quan trọng cho thị trường BĐS; đồng thời, sẽ cắt giảm ít nhất phân nửa thời gian di chuyển, đồng nghĩa với việc bất cứ điểm nào có thể tiếp cận tốt với tuyến đường sắt đô thị này đều sẽ được hưởng lợi thực sự.
… đến động thái Hà Nội cấm xe máy
Vậy còn thị trường bất động sản Hà Nội thì sao? Liệu có những thay đổi gì khi thành phố đã ra Nghị quyết sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030…!
Được biết, để chuẩn bị cho lộ trình cấm xe máy được khả thi, lãnh đạo Thành phố đã nêu rõ quan điểm, Hà Nội phải làm hạ tầng đường sá đồng bộ. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hệ thống vận tải công cộng như metro, BRT, xe buýt cần được phát triển trước khi đưa ra chính sách hạn chế xe cá nhân nói chung và xe máy nói riêng.
Nhiều chuyên gia khẳng định, khi hệ thống giao thông công cộng phát triển, tạo sự thuận tiện cho người dân thì không cần chờ đến khi cấm xe máy, nhiều người sẵn sàng chuyển sang phương tiện công cộng để đi lại. Bằng chứng như tuyến xe BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa đã thực sự làm hài lòng với hầu hết những người đã và đang sử dụng loại phương tiện công cộng này. Rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, những người dân đã và đang sinh sống dọc theo tuyến đường chạy xe BRT như Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ… cũng đã sử dụng BRT ngày một nhiều hơn.
Dự án Anland Complex cũng như nhiều dự án trên trục đường có tuyến BRT đi qua được khách hàng lựa chọn bởi sự thuận lợi trong việc đi lại và không lo tắc đường. |
Bên cạnh đó, có một tỷ lệ không nhỏ những người đang có nhu cầu mua nhà ở đã tìm đến các dự án nằm dọc hai bên tuyến đường BRT như The Pride; Anland Complex, Roman Plaza; Ecolife Capitol, HPC Landmark 105; … Bởi theo lý giải rất thực tế của đối tượng khách hàng này, giá nhà tăng hay không còn phụ thuộc vào thị trường. Song việc mua nhà gần tuyến xe BRT sẽ giúp họ cũng như con cái đỡ tốn đáng kể chi phí đi lại, thời gian cũng như bảo đảm tính an toàn và không lo tắc đường.
Hà Nội đã và đang tiếp tục xây dựng những tuyến giao thông công cộng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Và chắc chắn, những người sống gần những khu vực có trạm trung chuyển phương tiện công cộng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đi lại. Tương tự, các khu văn phòng, trung tâm thương mại, khu kinh doanh dịch vụ… sẽ phát triển hơn, mang đến bộ mặt văn minh cho Thủ đô.
Tác giả: Hải Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí