Dù đã bước sang năm thứ 4 thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” của Ủy ban dân tộc, nhưng hiện nay, mỗi năm tại Gia Lai vẫn có trên dưới 1.000 trường hợp tảo hôn. Điều này gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và bảo vệ rừng tại địa phương.
Năm 2016, toàn tỉnh Gia Lai có 826 cặp tảo hôn, nhưng sang 2017, con số đã là 1.339 trường hợp, số cặp tảo hôn chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số. |
Mới 32 tuổi, nhưng chị Rơ Mah H’ Klam (ở làng Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã có tới 4 đứa con. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, nên năm 15 tuổi Rơ Mah H’ Klam đã "bắt chồng".
Giống như bao cặp vợ chồng trẻ khác ở làng Ia Bia, đất sản xuất ít không đủ nuôi đàn con, vợ chồng H’Klam đi phá rừng, mở thêm nương rẫy.
Thế nhưng rừng bây giờ đã ở rất xa, mãi tận vùng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, nên gia đình 6 miệng ăn vẫn vất vả thiếu thốn đủ đường.
H’Klam thường xuyên đau yếu còn 4 đứa con, đứa nào cũng suy dinh dưỡng. Ăn ở vẫn là vấn đề vợ chồng phải lo nghĩ hàng ngày, nên sau 17 năm sống chung, chị vẫn chưa lo được việc đăng ký kết hôn.
“Hai vợ chồng không làm giấy kết hôn, chỉ có ưng nhau rồi lấy về. Năm 2017, mình sinh bé thứ 4, muốn nhập bé vào sổ hộ khẩu, xã nói là phải có giấy kết hôn, nên mình buộc làm giấy kết hôn mới nhập được con bé. Còn 3 đứa con trước cũng chưa có tên trong hộ khẩu nữa”, H’Klam cho biết.
Cũng ở làng Ia Bia, bà Rơ Băm H’ Tul (SN 1964) "bắt chồng" từ năm 14 tuổi, hiện nay có 10 người con và 15 cháu.
Bà H’Tul cho biết, lấy chồng, sinh con sớm, lại thêm lao động cực nhọc quanh năm, nên sức khỏe của bà bị giảm sút trầm trọng, mắc nhiều chứng bệnh. Dù thế, nhưng bà H’ Tul vẫn cho 6 cô con gái của mình bắt chồng từ năm 15, 16 tuổi. Bà nói rằng, kết hôn là việc của các con, nên không can thiệp.
Do nạn tảo hôn, đông con nên đói nghèo đang đeo bám bà con dân tộc ở Gia Lai. |
“Các con tự gặp và yêu nhau, tự quyết định lấy nhau, dù chưa đến tuổi thì cũng phải cho lấy thôi. Cái này tùy thuộc vào con, mình không quyết định được”, bà Rơ Băm H’ Tul nói.
Thực tế, hiện nay tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai, tục tảo hôn vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, như tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, nơi có 10/15 làng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm có trên dưới 10 cặp vợ chồng tảo hôn.
Tảo hôn cùng tục lệ sinh con đàn, cháu đống, đã khiến dân số ở đây tăng mạnh, trở thành một trong những nguyên nhân gây tình trạng thiếu đất sản xuất, khó giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Mặc dù năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi 114 ha đất lâm nghiệp thành đất sản xuất để cấp cho 98 hộ, nhưng đến nay, kinh tế các hộ này vẫn rất khó khăn. Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở địa phương đang gặp rất nhiều thách thức.
“Trong cuộc họp 50 người, chỉ có một nửa người biết tiếng Kinh, hiểu được thôi. Xã Ia Le có nhiều dân tộc, không chỉ có Jrai, có cả Nùng, Tày, Dao…Một phần là họ ở vùng sâu, vùng xa, họ không có hiểu tiếng Kinh, cán bộ tư pháp xã chỉ có 2 người thôi, lại là người Kinh nên tuyên truyền không đạt kết quả cao”, chị Nguyễn Thị Huệ - cán bộ Tư pháp xã Ia le cho biết.
Hiện nay, Gia Lai là tỉnh có số trường hợp tảo hôn hàng đầu cả nước. Theo Ban dân tộc tỉnh Gia Lai, năm 2016, toàn tỉnh có 826 cặp tảo hôn, nhưng sang 2017, con số đã là 1.339 trường hợp. Có số cặp tảo hôn cao hầu hết các các huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Krông Pa, Phú Thiện… Trong đó, cá biệt, Krông Pa có gần 200 cặp tảo hôn mỗi năm.
Theo ông Ksor Y Ngông - Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Chư Pưh, để Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2025 thực sự hiệu quả, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa.
“Tất cả hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới tuyên truyền đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận nền văn hóa tiên tiến. Phòng dân tộc kết hợp với phòng Tư pháp, đài truyền thanh, truyền hình địa phương tổ chức cưới hỏi, đưa vào nền văn hóa chung của người Việt. Cặp vợ chồng nào kết hôn sớm, giao cho chính quyền xử phạt. Chính quyền buông lỏng thì cũng phải kiểm điểm”, ông Ksor Y Ngông cho hay./.
Tác giả: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo VOV