Giáo dục

Bất cập xung quanh việc công bố việc làm của sinh viên tốt nghiệp

Công bố việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ sư phạm là rất quan trọng nhưng khi thực hiện còn nhiều bất cập, vướng mắc…

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước phải báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy theo từng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Đây là yêu cầu bắt buộc, là điều kiện để Bộ xem xét việc tuyển sinh hàng năm của các trường. Thế nhưng, do tỷ lệ sinh viên đã tốt nghiệp gửi thông tin phản hồi rất ít, nên việc lập cáo cáo của các trường rất khó khăn và độ tin cậy của báo cáo cũng chưa cao.

Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm phải thu thập thông tin, báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp theo 3 nội dung là: tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, khu vực làm việc của sinh viên đã tốt nghiệp và đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Mục đích nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên. Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Báo cáo này phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường.



Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố thông tin sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trước đó, trong Thông tư 09 năm 2009 của Bộ về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân cũng có yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 1 năm ra trường, nên nhiều trường đã thực hiện việc thu thập thông tin của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

dai hoc 2 peto
Việc công bố việc làm của sinh viên tốt nghiệp không phải dễ dàng (ảnh minh họa)

Bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trường thực hiện điều tra về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp từ năm 2009 với nhiều hình thức khác nhau, như: qua website của trường, email, bưu điện, mạng xã hội. Kết quả của việc điều tra giúp cho trường đánh giá đúng hơn về chất lượng chương trình đào tạo. Cũng từ đó, nhà trường có biện pháp điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Khi nhận được công văn của Bộ triển khai việc điều tra việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, trong khoảng 1 ngày khi chúng tôi bổ sung thêm các tiêu chí phù hợp của Bộ thì đã có khoảng gần 200 em và thậm chí các em đã tốt nghiệp cách đây 2 năm, 3 năm vẫn vào hệ thống đó để đánh giá. Việc đánh giá sinh viên sau khi tốt nghiệp là một kênh rất quan trọng để nhà trường điều chỉnh chương trình cho phù hợp. Bởi vì từ sinh viên tốt nghiệp, từ các doanh nghiệp thì trường mới đánh giá được là chương trình đào tạo, ngành nghề của trường hiện nay có còn đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không.

Mặc dù việc thu thập thông tin, công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là yêu cầu bắt buộc nhưng việc khảo sát của các trường lại đang gặp một số khó khăn. Hầu hết các trường đại học ở Việt Nam chưa có một hệ thống theo dõi hồ sơ người học tốt, độ tin cậy của các thông tin về điện thoại, email hay địa chỉ của người học rất hạn chế. Trong khi đó, ở Việt Nam từ trước đến nay không có quy định hay thói quen sinh viên tốt nghiệp kết nối với trường. Nhiều em sau khi có việc làm thì thay đổi số điện thoại, email gây khó khăn cho các trường trong việc nắm bắt tình hình công việc của cựu sinh viên. Vì vậy, khi các trường gửi phiếu khảo sát thì số lượng cựu sinh viên trả lời thông tin chỉ từ 40% đến 60%, có trường chỉ nhận được từ 10% đến 40% phiếu trả lời.

Ông Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu thực tế: “Khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để giữ được mối liên lạc với các sinh viên sau khi ra trường. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khảo sát theo khoảng thời gian là sau khi tốt nghiệp 3 tháng, sau tốt nghiệp 6 tháng, 1 năm và nhiều năm thì tùy vào từng đợt. Với sinh viên vừa tốt nghiệp khoảng 3 tháng thì tỷ lệ khảo sát trả lời của chúng tôi là trên 80%, vì chúng tôi tổ chức khi các em về lấy bằng. Tuy nhiên, với sinh viên tốt nghiệp khoảng 6 tháng đến 1 năm thì tỷ lệ thấp hơn, được khoảng 50-60%”.

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Học viện Ngân hàng, thông tin về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ giúp học sinh, sinh viên hình dung được nhu cầu của thị trường đối với ngành đào tạo và sự chấp nhận của xã hội đối với chất lượng đào tạo của trường mà họ muốn theo học. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ sinh viên đã tốt nghiệp trả lời phiếu điều tra thấp so với tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm thì sẽ không đánh giá đúng về tình hình việc làm và nhu cầu nhân lực của xã hội.

“100% sinh viên tốt nghiệp là chúng tôi đều hỏi, nhưng phản hồi về không được nhiều. Tỷ lệ phản hồi của sinh viên chỉ dao động khoảng trên 10% đến 30% sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm. Các số liệu khảo sát dựa trên mẫu mà chúng tôi ghi nhận được thì thường tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm rất cao, từ 87% -90%. Tuy nhiên, tỷ lệ trả lời của các em thấp dẫn tới là tin cậy về mức độ có việc làm của các em không cao”- ông Phạm Quốc Khánh nói.

Dù việc thu thập thông tin và công bố kết quả về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều khó khăn, nhưng các trường đều khẳng định, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo. Trên cơ sở tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ giúp các trường xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo, điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động.

Nếu việc khảo sát được các trường thực hiện khoa học, bài bản, kết quả chuẩn xác thì sẽ là tiêu chí để các trường xây dựng thương hiệu, tạo sự cạnh tranh trong đào tạo, từ đó giúp nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp./.

Tác giả bài viết: Minh Hường

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok