Xã hội

Bất cập trong việc xóa điểm đen giao thông trên đường vành đai

Dự án đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa, đoạn đi qua xã Đông Vinh khi đi vào hoạt động tạo ra các điểm giao cắt với đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Chính quyền địa phương đã đề nghị giải phóng các hộ dân, nhưng tỉnh chỉ giải quyết một hộ.

Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa (giai đoạn 1), có điểm đầu (km 0) giao với quốc lộ 1A; điểm cuối (km 6) giao với quốc lộ 47. Đây là dự án thuộc quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng kinh phí (giai đoạn 1) cho dự án là 1.014 tỷ đồng, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3, vận tốc thiết kế là 80km/h, phạm vi cầu vượt và nút giao thông là 60km/h. Quy mô mặt cắt ngang gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với bề rộng nền đường 12m.

Đến nay, dự án đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa, đoạn đi qua xã Đông Vinh đã làm xong nhưng vẫn tồn tại nhiều kiến nghị và câu hỏi chưa có lời hồi đáp.

Đó là đoạn giao cắt giữa đường vành đai với đường ngang dân sinh liên thôn của xã Đông Vinh tạo tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Nếu các hộ làm nhà, trồng cây, chất vật liệu sẽ tạo ra “điểm mù” khi người tham gia giao thông không thể quan sát từ xa, đường mới làm, tốc độ xe cao không thể xử lý kịp. Vì vậy, 6 hộ dân trú tại thôn Văn Khê – xã Đông Vinh đã đồng kiến nghị lên các cấp, ban ngành cần sớm có phương án thu hồi, đền bù cho các hộ để tạo hành lang thông thoáng và tầm nhìn cho người tham gia giao thông được an toàn cũng như bảo vệ chính họ.

Khu đất nhà chị Hương nằm trong điểm đen về giao thông

Một trong 6 hộ dân là gia đình chị Tô Thị Hương đã làm đơn kiến nghị gửi UBND thành phố, UBND tỉnh Thanh Hóa và các ban ngành liên quan, đề nghị cơ quan chức năng giải quyết việc thu hồi đất nhà chị từ tháng 07/2016 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Theo trình bày của chị Hương, nhà chị có 125m2 diện tích đất ở tại thôn Vân Khê, xã Đông Vinh. Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa khi đi vào hoạt động và thi công đã chạy qua và làm ảnh hưởng trực tiếp đến thửa đất kể trên.

Được biết, lô đất của nhà chị Hương nằm đầu ve giao cắt giữa trục đường liên thôn với đường vành đai, thửa đất chạy từ Đông sang Tây, dài 25m. Trong khi đó, đường vành đai phía Tây chênh và cao hơn mặt đất đến 3,05m và chân mép đường vành đai cách lô đất nhà chị Hương 50cm. Tuy mảnh đất nhà chị Hương không nằm trong diện giải tỏa giai đoạn 1, nhưng lại nằm ngay điểm vút dốc, điều này sẽ không đảm bảo hành lang an toàn giao thông, có thể gây sụt lún, sạt lở bất cứ lúc nào.

Mặt khác, quan trọng hơn hết vì hiện tại chị Hương đang có nhu cầu xây dựng nhà để ở nhưng mảnh đất của chị lại đang nằm trong danh sách chờ đợi giải tỏa và vẫn chưa có thời gian chính xác về việc đền bù giải tỏa. Trong khi đó, hiện gia đình chị vẫn đang phải ở nhờ nhà người thân nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc sinh hoạt của cả gia đình. Do đó, chị Hương đã đề nghị lên chính quyền được thu hồi đất và bố trí tái định cư để yên tâm sớm ổn định cuộc sống.

Ngày 26/7/2016, UBND xã Đông Vinh đã có tờ trình số 44/TTr- UBND gửi chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa về việc xem xét thu hồi đất cá biệt để thực hiện dự án đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa cho hộ chị Hương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đông Vinh cho hay, việc tạo nút giao thông dấu cộng giữa đường vành đai với đường ngang dân sinh thế này là tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Do không đủ thẩm quyền nên chính quyền địa phương chỉ lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến của dân và trình lên các cấp, các ngành liên quan, cần sớm có phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Công văn Sở TNMT trình Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giải quyết cho một mình hộ ông Lương Hữu Thao.

Trả lời đơn kiến nghị của người dân, các cơ quan chức năng cho biết vẫn phải đợi giai đoạn 2 của dự án mới tính tiếp được. Vậy nhưng giai đoạn 2 là khi nào và cụ thể sẽ tính tiếp ra sao lại không có ban ngành nào đứng ra trả lời đảm bảo chắc chắn.

Ông Tống Văn Thái, Phó Giám đốc ban GPMB TP Thanh Hóa cơ bản là đồng ý kiến với xã nhưng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng là ngân sách tỉnh, phải trình qua các Sở, ngành họp, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định, chứ không phải là của Thành Phố.

Ngày 28/4/2017, Sở TN&MT Thanh Hóa có công văn số 2004/STNMT-CSĐĐ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét đề nghị của Sở GTVT Thanh Hóa về việc thu hồi bổ sung nằm ngoài phạm vi GPMB tại xã Đông Vinh cho dự án đường vành đai phía tây TP Thanh Hóa. Tuy nhiên công văn lại chỉ đồng ý chủ trương thu hồi đất đối với hộ ông Lương Hữu Thao “Diện tích đất có hai mặt tiếp giáp với đường vành đai phía Tây và đường ngang dân sinh, có độ chênh cao so với đường vành đai phía Tây khoảng 2,5m, cách chân taluy đường khoảng 1,2 m, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn trong cuộc sống".

Các hộ dân nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông, án ngữ ngay điểm giao cắt các tuyến đường dân sinh cần sớm được giải phóng, đền bù để người tham gia giao thông có tầm quan sát tốt, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên& Môi trường tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi đất của 1 trong 6 hộ cùng nằm trong điểm giao cắt kể trên là việc làm “nửa vời”, chưa công bằng, khiến người dân bức xúc.

UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm xem xét thu hồi các diện tích đất cùng chịu ảnh hưởng nêu trên để đảm bảo an toàn, tránh việc người dân làm nhà, trồng cây, thay đổi hiện trạng đất đến khi đền bù lại phát sinh thêm tài sản gây lãng phí.

Tác giả: Thanh Phương- Tài Đức

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok