Giáo dục

Bất cập trong việc bồi dưỡng thường xuyên của ngành Giáo dục

Muốn đổi mới sự nghiệp giáo dục, trước hết phải đổi mới tư duy của người thầy, kể cả trong quản lý và giảng dạy. Chính vì vậy mà thời gian qua, Bộ Giáo dục đã có kế hoạch và triển khai chương trình Bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho giáo viên ở các cấp học, xác định công tác BDTX có ý nghĩa chiến lược, quyết định chất lượng giáo dục ở các trường học. Từ đó, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và những hiểu biết về những văn bản, quy chế của ngành.

Công việc BDTX đã được Bộ và các Sở Giáo dục chú trọng và quan tâm để hướng tới một nền giáo dục hội nhập và phát triển với giáo dục các nước trên thế giới. Tuy nhiên, giữa những hướng dẫn và cách thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở lại vênh nhau quá nhiều. Chất lượng BDTX của giáo viên vẫn mang tính hình thức, đối phó và không hiệu quả. Các đơn vị cơ sở vẫn lúng túng và không biết triển khai và bắt đầu như thế nào. Cùng một hướng dẫn về việc BDTX của Bộ và Sở nhưng về đến các đơn vị cơ sở là sinh ra nhiều thủ tục phiền hà. Vì sao có nguyên nhân như vậy?

Thứ nhất là cách triển khai kế hoạch của các cấp quản lý hiện nay rất tốn kém nhưng không khoa học, kém hiệu quả và không thiết thực. Bởi cấp trên gửi các mô đun tài liệu qua email, sau đó đơn vị in ấn và phát cho mỗi giáo viên vài quyển sách như nhau rồi yêu cầu giáo viên chép lại vào một vài quyển vở, sau đó nộp lại BGH để nhà trường lưu lại, khi Phòng - Sở về thanh tra có hồ sơ minh chứng là đơn vị đã triển khai và giáo viên đã “tự bồi dưỡng” nên chép lại bài vở như vậy. Khi thi thì giáo viên được Hiệu trưởng ra một cái đề thi, đến ngày thi, ban giám hiệu (BGH) triệu tập toàn bộ giáo viên đến tham gia thi. Giám thị là… nhân viên văn phòng, cho nên giáo viên thoải mái trao đổi với nhau. Điểm thi toàn khá và giỏi nhưng thử hỏi thi và bồi dưỡng như vậy chất lượng ở đâu?

Thứ hai là nội dung bồi dưỡng và cách triển khai của các cấp không phù hợp và thiết thực. Thời công nghệ thông tin, không có văn bản, thông tư, hướng dẫn của ngành Giáo dục không có trên mạng, trên các website của Sở. Vậy, có cần thiết bắt giáo viên ngồi chép lại mấy thứ này vào vở không, và chép để làm gì? Trong khi ngành, đơn vị có hàng trăm công việc khác cũng phải hoàn thành. Điều quan trọng là chất lượng giảng dạy của giáo viên trên lớp như thế nào, chất lượng nhà trường ra sao khi các em tốt nghiệp hay thi chuyển cấp. Cách lí giải của các BGH là thầy cô có chép vào vở thì mới có thể nhớ được là cách lí giải phi khoa học.

Thứ ba là sự ì của một bộ phận giáo viên hiện nay là rất lớn. Nhiều giáo viên không chịu học hỏi, ngại tìm tòi và chỉ chép và thi một cách chiếu lệ, hình thức bởi xét cho cùng nó cũng không thiết thực. Bởi các văn bản, các thông tư của ngành thì người vào nghề chỉ 1-2 năm họ đã nắm cơ bản. Cái nào còn vướng mắc thì chỉ cần lên Google tìm trong vài giây đã có việc gì phải ngồi tìm, lật từng trang giấy…

Thứ tư là có những địa phương không thi mà thay bằng hình thức báo cáo các mô đun đã hướng dẫn qua email. Thầy cô nào hiểu được như thế nào, tiếp cận như thế nào thì trình bày bằng báo cáo cho BGH. Tuy nhiên, theo qui định của Bộ mỗi năm giáo viên bồi dưỡng 120 tiết nhưng có trường bắt giáo viên làm gấp đôi số đó. Giáo viên có ý kiến thì BGH không có thiện ý tán đồng mà còn làm khó, gây áp lực. Thành ra, việc bồi dưỡng mang tính áp đặt của BGH, mặc dù nhiều BGH không nắm kĩ hướng dẫn công tác BDTX của cấp trên…

Thứ năm là tài liệu bồi dưỡng thường xuyên được dùng chung cho mỗi cấp học nên dẫn đến sự bất cập trong việc bồi dưỡng. Ví dụ, những giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục thì cần gì đến bồi dưỡng nội dung về môn Tiếng Việt hay Toán…vậy mà nhiều BGH cứ bắt giáo viên è cổ ra chép. Việc chép như vậy không biết để làm gì bởi dễ gì BGH thu xong mà đọc lại mấy quyển sổ đó!

Để công tác BDTX trở nên thiết thực, hiệu quả và tạo được sự duy trì liên tục cho giáo viên hiện nay, thiết nghĩ Bộ và các cấp không nhất thiết phải in ấn, phô tô quá nhiều tài liệu như hiện nay, mà chúng ta chỉ cần những tài liệu chuyên môn của từng môn học, hoặc yêu cầu cập nhật các loại văn bản, thông tư, các bộ luật mới liên quan và những nội dung thay đổi bổ sung vào những sách giáo khoa không còn phù hợp, hướng giáo viên vào trọng tâm của vấn đề giảng dạy… Khi nào cần kiểm tra thì tập trung giáo viên cùng môn học thi với nhau xem chất lượng bồi dưỡng về môn học như thế nào để đánh giá.

Việc BDTX là một việc làm thiết thực để tránh sự ì, sự lạc hậu trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, để bồi dưỡng đạt chất lượng tốt cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, thiết thực, sự kiểm tra, đánh giá minh bạch của cấp trên mới đem lại hiệu quả của giáo dục. Ngược lại, nếu cứ bắt giáo viên ngồi chép vở nộp lại, khi thi thì có trường làm chiếu lệ, có trường thì bắt giáo viên báo cáo hàng chục mô đun tài liệu một cách hình thức để làm minh chứng đối phó khi cấp trên về kiểm tra thì rõ ràng không giúp ích được gì mà lại tốn thời gian, tiền bạc của giáo viên, của nhà nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao (Giáo viên THCS tại An Giang)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok