Tteokguk - canh bánh gạo không chỉ là món ăn vào những ngày lạnh, mà còn mang tính biểu tượng của Hàn Quốc. Những tài liệu đầu tiên về tteok - bánh gạo, xuất hiện trong một số cuốn sách về các cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Hàn Quốc diễn ra vào khoảng năm 480 TCN đến 222 TCN. Một tài liệu mô tả gạo được rửa sạch, sau đó nghiền thành bột và trộn nước trước khi tạo hình thành những viên bánh gạo nhỏ, thái lát rồi đem hấp. Xuất hiện trong các nghi lễ vào thời xưa, tteok thường được trộn với hoa để tăng thêm màu sắc hoặc thêm thảo mộc để tạo nên món ăn có lợi cho sức khỏe.
Tteokguk là món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu năm bởi những ý nghĩa may mắn mà nó mang lại cho người thưởng thức. Ảnh: Josiah Lau Photography/Flickr. |
Dù nguồn gốc canh bánh gạo vào dịp năm mới không rõ ràng, món ăn này đã được nhắc đến trong cuốn sách viết về các phong tục "Dongguksesigi" (Đông Quốc Tuế Thời Ký) từ thế kỷ 19. Trong khi các thành phần và hương vị của tteokguk khác nhau tùy theo từng vùng miền, nước dùng thường được làm bằng cách ninh thịt bò, lợn hoặc gà rồi kho trong một loại nước sốt đậu nành. Sau đó nước dùng được lọc để trong hơn, thêm bánh gạo đã được nặn thành hình trụ tròn dài và đun sôi. Món ăn trang trí với trứng rán thái chỉ, rong biển và hành lá để tăng hương vị.
Các loại bánh canh tteokguk có thể kể đến như canh há cảo manduguk phổ biến ở Seoul, và canh jogaengi tteokguk với bánh gạo hình trái bầu, có nguồn gốc từ Gaeseong, Triều Tiên.
Theo truyền thống, người Hàn không thường xuyên ăn canh bánh gạo vì thời xưa gạo và thịt bò đều đắt đỏ. Vì vậy, họ chỉ ăn tteokguk vào những dịp đặc biệt như sinh nhật hay ngày lễ Tết. Sau này, người Hàn bắt đầu thưởng thức món súp vào Seollal (Tết Nguyên Đán) - dịp các thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ những lời chúc tốt lành và thực hiện các nghi thức tổ tiên.
Charye-sang, mâm cúng tổ tiên truyền thống của người Hàn vào dịp Tết thường có nhiều món ăn khác nhau, gồm cả tteokguk. Ảnh: Korean Culture and Information Service (KOCIS)/Flickr. |
Bát canh tteokguk trở thành một món ăn ngày Tết mang tính biểu tượng trong văn hóa Hàn Quốc. Màu trắng của bánh tteok biểu thị cho sự tinh khiết và sạch sẽ - một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới. Hình dáng thuôn dài của bánh tượng trưng cho công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt. Trong khi đó, hình bầu dục của các miếng bánh thái lát lại tượng trưng cho những đồng tiền xu, mang ý nghĩa phát lộc và thịnh vượng.
Người Hàn ăn canh tteokguk vào năm mới để mừng bản thân đã trưởng thành thêm một tuổi. Người dân xứ kim chi cho rằng họ không thể thêm một tuổi nếu không ăn một bát tteokguk vào ngày Tết, và đôi khi trẻ em muốn ăn nhiều hơn để mong lớn nhanh hơn. Thực tế phong tục này phổ biến đến nỗi khi người Hàn Quốc muốn hỏi tuổi sẽ nói rằng: "Bạn đã ăn được bao nhiêu bát tteokguk rồi?".
Ngoài bánh gạo trắng người Hàn còn trộn với các loại hoa và thảo mộc để tăng thêm màu và lợi ích sức khỏe cho món ăn. Ảnh: Gyeong Bin Mama/Wikicommons. |
Ngày nay, bánh gạo có thể mua một cách dễ dàng trên thị trường và người dân Hàn Quốc ăn tteokguk quanh năm.
Tác giả: Trang Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress