Thế giới

Bảo vệ nước nhỏ, đưa 40 chiến hạm "nắn gân" TQ: Quốc gia này sẵn sàng "bao phủ" biển Đông

Lãnh đạo Hải quân Ấn Độ vừa tuyên bố kế hoạch trở thành một lực lượng hùng mạnh "bao phủ" biển Đông và Trung Đông, sẵn sàng đối đầu với sự bành trướng của Bắc Kinh.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ (Ảnh tư liệu: Indian Defence Analysis)


Kế hoạch lớn của Hải quân Ấn Độ

Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba tuyên bố sẽ xây dựng kết cấu cân bằng cho lực lượng này trong vòng 10 năm tới, với 212 chiến hạm, tàu ngầm cùng khoảng 460 phương tiện bay. Mục đích của kế hoạch là củng cố vị thế của New Delhi tại Ấn Độ Dương, đồng thời mở rộng hành động ra các khu vực xa hơn.

Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly (Anh) hôm 19/12 dẫn lời tướng Lanba nói:

"Kế hoạch mở rộng kiến tạo Hải quân Ấn Độ bao gồm việc xây dựng lực lượng mạng 3 chiều, cấu thành từ các tàu trên/dưới mặt nước được trang bị vũ khí cùng cảm biến hiện đại, cùng với các tài sản trên không, nhằm thiết lập xu thế an ninh khu vực có thể mang lại ưu thế chiến lược cho chúng ta."

Tướng Sunil Lanba (Ảnh: PTI)


Ông Lanba cho hay, các cơ sở hạ tầng và công nghệ chi viện đang được nước này nghiên cứu phát triển, với mục tiêu là bảo vệ mục tiêu mà chính sách ngoại giao của New Delhi hướng tới, cũng như bảo vệ tài sản và lợi ích kinh tế Ấn Độ.

Đô đốc Lanba đang trong chuyến thăm Nhật Bản 5 ngày (19-24/12). Thông báo của Hải quân Ấn Độ nói mục tiêu chuyến công du là "củng cố các sáng kiến hợp tác hàng hải sẵn có và khám phá những hướng đi mới".

Chuyến đi của Sunil Lanba cũng diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ, Nhật và Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên Malabar 2017, tập trung vào hoạt động "săn tàu ngầm", trong tình hình các khí tài dưới nước của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở Ấn Độ Dương.

New Delhi quyết kiềm chế Trung Quốc

Theo Jane's, Hải quân Ấn Độ hiện đã triển khai 135 chiến hạm, trong đó có 1 tàu sân bay và 15 tàu ngầm, tạo thành cánh cung tác chiến từ Đông Phi kéo sang eo biển Homuz và nối dài sang eo biển Malacca - "yết hầu" của biển Đông.

Thêm vào đó là hơn 230 máy bay đang phục vụ, gồm 100 máy bay cánh cố định, 120 trực thăng và 12 máy bay không người lái.

Với phạm vi tác chiến có thể "bao phủ" biển Đông và Trung Đông, theo Thời báo Hoàn Cầu, xét từ góc độ tác chiến, Hải quân Ấn Độ đang ngày càng nhận thức mối đe dọa rõ rệt đến từ sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Chính phủ Ấn Độ tin rằng động thái của Bắc Kinh được tiến hành dưới sự chi viện của mạng lưới liên minh quân sự và chiến lược phức tạp mà Trung Quốc đang thiết lập cùng Bangladesh, Myanmar, Pakistan và Sri Lanka.

Quan ngại của Ấn Độ lên đến đỉnh điểm vào hồi tháng 11 vừa qua, khi New Delhi nhận tin tình báo cho thấy Hải quân Trung Quốc có ý định triển khai các tài sản hải quân chung với Pakistan, nhằm mục đích "bảo vệ cảng khẩu chiến lược Gwadar". Chính phủ Trung Quốc đã rót tiền và đầu tư xây dựng cảng nước sâu này.

Trung Quốc luôn phủ nhận sự hiện diện của tàu cầm nước này ở Ấn Độ Dương là "bành trướng". (Ảnh: Getty)


Bắc Kinh đang "vung" 46 tỉ USD để dựng lên hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, dài 3.000 km nối Gwadar với Tân Cương, mục đích là nhập khẩu dầu và khí đốt từ Vịnh Ba Tư và xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang châu Phi, Trung Đông cùng châu Âu.

Hải quân Ấn Độ lo ngại quân đội Trung Quốc cùng Hải quân Pakistan bắt tay nhau trong một "liên minh tác chiến" sẽ cản trở nghiêm trọng tự do hàng hải/hàng không mà New Delhi và các đối tác đang duy trì ở vùng Vịnh, cũng như trên Ấn Độ Dương.

Những hành động của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông chính là "bài học" cho Ấn Độ.

Đô đốc Lanba cho hay: "Chúng tôi quan tâm chặt chẽ động thái của chiến hạm và tàu ngầm Trung Quốc, đồng thời liên tục giám sát hành động của họ ở Ấn Độ Dương".

Ông tuyên bố thẳng, Hải quân đã triển khai hơn 40 chiến hạm, 4 tàu ngầm và 12 máy bay ở vùng biển xung quanh bán đảo Ấn Độ và các đảo phụ cận. Lực lượng này "sẵn sàng bảo vệ lợi ích trên biển của Ấn Độ vào bất cứ thời gian, địa điểm nào".

Trước đó, hồi đầu tháng 12, Ấn Độ cũng khiến Bắc Kinh bất mãn khi công khai tuyên bố viện trợ để giúp Mông Cổ giảm bớt thiệt hại từ biện pháp cấm vận, sau khi Ulaanbaatar "cầu cứu" vì bị Trung Quốc trừng phạt do "trái ý" Bắc Kinh để đón tiếp Dalai Lama, lãnh đạo tinh thần lưu vong người Tây Tạng.

Tác giả bài viết: Hải Võ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok