Thành lập năm 1923, bảo tàng Hải Dương học là một phần của Viện Hải dương học Nha Trang, cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuyến tham quan bảo tàng bắt đầu từ khu nuôi sinh vật biển, nơi có nhiều loài đẹp, kỳ lạ và quý hiếm.
Cá mao tiên là loài cá được mệnh danh “công chúa biển”. Chúng sở hữu vũ khí tự vệ là chiếc vây lưng sắc nhọn chứa chất độc.
Cá mặt quỷ hay còn gọi là cá đá, có hình thức ngụy trang đặc biệt. Phần gai với hình thù kỳ lạ cũng chứa độc tố mạnh. Tuy nhiên, thịt cá không có độc và là một món đặc sản.
Hải quỳ ống, hay còn được gọi là “cây dừa biển” bắt mồi bằng những chiếc tua râu vươn ra ngoài. Khi gặp nguy hiểm chúng co râu vào trong ống, hoặc trầm mình dưới lớp trầm tích để lẩn trốn.
Khu trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa” là một khu trưng bày mới, thể hiện sự đa dạng sinh học, tài nguyên và ghi nhận và những giá trị khoa học - kinh tế biển Việt Nam ở hai quần đảo của Việt Nam.
Trên ảnh là rạn san hô dưới đáy biển Trường Sa. Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao nhất hành tinh với hàng nghìn loài, cả động và thực vật, thuộc nhiều nhóm khác nhau.
Bên trong nhà trưng bày mẫu lớn, du khách sẽ bắt gặp bộ xương cá voi dài 18 m, nặng gần 10 tấn. Mẫu vật này được khai quật tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà xưa (Nam Định ngày nay) năm 1994 khi đào mương thủy lợi. Bộ xương bị vùi sâu dưới ruộng 1,2 m và cách biển 4 km theo đường chim bay.
Tiêu bản một con bò biển Dugong trưng bày ở khu giới thiệu đa dạng sinh học biển. Nó mắc lưới ngư dân tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang năm 2003, sau được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang chuyển giao cho Viện Hải dương học để bảo quản và nghiên cứu. Bò biển có chiều dài 2,75 m, nặng 400 kg. Bò biển là loài thú biển, hiện không còn nhiều và có nguy cơ tuyệt chủng.
Hệ thống thư viện tiêu bản nghiên cứu được phân theo các nhóm loài sinh vật biển ở phòng trưng bày, giới thiệu khoa học, công nghệ hải dương học, kinh tế và sinh thái biển Việt Nam. Ở đây giới thiệu lịch sử ngành hải dương học nói chung và ở Việt Nam nói riêng; lưu trữ và trưng bày tài liệu nghiên cứu; công cụ, thiết bị phục vụ nghiên cứu hải dương học và sinh vật biển.
Mô hình tàu “De Lanessan”. Đây là tàu hơi nước 450 mã lực, tải trọng 750 tấn; được đóng theo kế hoạch của Toàn quyền Đông Dương và Giám đốc Viện Hải dương học Đông Dương, với mục đích nghiên cứu hải dương học và đánh bắt xa bờ phục vụ nghiên cứu. Tàu cập cảng Hải Phòng năm 1924. Từ 1925 đến 1929, tàu thực hiện 50 chuyến khảo sát tại 572 trạm ở các vùng biển bắc – trung – nam Việt Nam, tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vịnh Thái Lan, sông Mekong…
Khu trừng bày những thiết bị, máy móc của ngành hải dương học.
Tác giả: Hà Thành
Nguồn tin: Báo VnExpress