Tại cuộc họp khẩn phòng chống bão số 10 sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn TƯ đánh giá, đây là cơn bão rất mạnh, nguy hiểm trong nhiều năm trở lại đây.
Hiện bão số 10 đang mạnh cuối cấp 8, đầu cấp 9, giật cấp 11. Đến đêm mai, bão sẽ chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng lên cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.
Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua |
Ông Cường cho biết, hiện vẫn chưa có yếu tố tác động khiến bão yếu đi. Càng vào sâu, bão càng mạnh lên, di chuyển tốc độ 15-20km/h. Đến mai, bão sẽ tăng tốc lên 20km/h và khi đi vào vịnh Bắc Bộ có thể đạt sức gió cấp 12, giật cấp 15.
“Đây là cơn bão trẻ, đang ở ngày thứ 2. Dự kiến chiều tối ngày 15, đêm 16/9 bão sẽ đi vào đất liền nước ta, khi đó bão ở thời kỳ mạnh nhất do tuổi thọ của bão chỉ 7-8 ngày”, ông Cường thông tin.
Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào Nam Định - Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An - Hà Tĩnh.
Do bão mạnh, vùng có gió mạnh từ cấp 6 trở lên kéo dài từ Quảng Ninh - Thừa Thiên Huế. các tỉnh từ Nam Định - Quảng Trị có gió cấp 8. Khu vực Thanh Hoá -Quảng Bình có gió mạnh cấp 12. Nước biển dâng do bão cao 2-3m. Riêng vùng bờ, sóng cao trên 5m.
“Với cường độ như thế này, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (mức 5 là mức thảm họa)”, ông Cường nhấn mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 15 đến trưa 16/9, các tỉnh từ Thanh Hoá - Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, lượng phổ biến 100-300mm, riêng Nghệ An - Quảng Bình mưa 300-400mm.
Tuyệt đối không được chủ quan
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, hiện tình hình rất khẩn trương. Bão số 10 đổ bộ trong bối cảnh rất đặc thù, lớn nhất trong nhiều năm với phạm vi ảnh hưởng lên tới 500-600km.
“Năm nay biển Đông có tới 10 cơn bão nhưng mới có 2 cơn vào nước ta và chủ yếu gây mưa nên rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, cực kỳ nguy hiểm”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp chống bão số 10 |
Dẫn lại câu chuyện tác động biến đổi khí hậu, điển hình siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ vừa qua đã gây thiệt hại trên 150 tỷ USD, Bộ trưởng Cường yêu cầu các địa phương hết sức lưu ý.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ phải vận hành xả lũ tới 4 lần như hiện tại, cũng chưa bao giờ mực nước sông Hồng ở mức dương 7,7m.
Hầu hết các hồ lớn, nhỏ tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã tích đầy nước. Các hồ thuỷ điện lớn như Hoà Bình đang phải mở 3 cửa xả đáy, hồ Sơn La, Thác Bà mở 2 cửa, hồ Tuyên Quang mở 1 cửa.
“Nếu không có gì thay đổi, khi mưa lớn, hồ Hoà Bình có thể phải mở tổng 5 cửa, cộng thêm mưa tại chỗ thì đây là vấn đề kinh khủng cho hạ du. Toàn bộ khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định... nhiều năm chưa được thử thách thì không thể chủ quan”, ông Cường lưu ý.
Để đảm bảo an toàn hồ chứa, Bộ trưởng yêu cầu các hồ thuỷ điện bám sát quy trình xả, khẩn trương có biện pháp kiểm tra các hồ yếu, đặc biệt tại khu vực miền Trung. Riêng 2 hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La phải phát điện tối đa tất cả 6 tổ hợp cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, Bộ trưởng chỉ đạo ngay trong chiều nay, lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm ngư phải có số liệu báo cáo về lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm ở vĩ độ từ 13-19, đặc biệt chú ý sắp xếp phương tiện khi neo đậu, không để người dân ngủ trên tàu gây thiệt hại như cơn bão số 7 năm ngoái.
Từ mai, yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh - Khánh Hoà ban hành lệnh cấm biển. Xem xét tình huống cho học sinh nghỉ học.
Với công tác dự báo, Bộ trưởng yêu cầu phải bám thật chặt, tranh thủ dự báo của các trung tâm tiên tiến thế giới, liên tục cập nhật, tránh chủ quan, nhưng tránh hoang mang.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet