Giáo dục

Bảo hiểm tự nguyện đang bị “bắt buộc” mua ở nhà trường

Đúng ra, tiền bảo hiểm của học sinh phải do chính cơ quan bảo hiểm xuống tư vấn, và trực tiếp bán trên tinh thần tự nguyện.

LTS: Bàn về vấn đề lạm thu đầu năm, cô giáo Khánh Ngọc cho rằng khoản bảo hiểm là khoản thu chủ yếu trong các khoản phụ huynh phải đóng góp, tuy nhiên lâu nay bảo hiểm là khoản mua tự nguyện đang bị lôi kéo theo hình thức bắt buộc ở các trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Cứ vào đầu năm học mới, chuyện tiền bạc trở thành nỗi lo của gia đình học sinh và cũng tạo nhiều căng thẳng, mệt mỏi cho các giáo viên.

Phụ huynh than vãn tiền trường, dư luận sôi sục và bắt đầu mổ xẻ chuyện lạm thu… những phản ứng gay gắt theo hướng tiêu cực khiến giáo viên ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người tham gia bảo hiểm xã hội (Ảnh: vietnamplus.vn).


Tiền trường là từ dùng chung để nói lên khoản tiền phụ huynh phải đóng cho con vào đầu mỗi năm học. Nhưng nếu tách bạch ra từng khoản thì chủ yếu là tiền thu hộ bên bảo hiểm chứ tiền để nộp về nhà trường chẳng đáng là bao, đặc biệt đối với học sinh Tiểu học.

Học sinh Tiểu học chưa phải đóng tiền học phí, trong số tiền học sinh đóng về trường đầu năm ở các trường thường dao động khoảng hơn 700.000/ em.

Trong số đó, đã có tới 680.000 là tiền hai loại bảo hiểm (bảo hiểm y tế 513.000, bảo hiểm thất nghiệp 163.000), chỉ có 30.000 tiền ấn phẩm nộp về trường (là tiền chi phí cho học bạ, giấy khen, giấy thi, phù hiệu, phấn viết… cho chính học sinh).

Hai khoản tiền thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường là tiền thuê người dọn dẹp nhà vệ sinh cho các em khoảng 40.000/ em một năm và tiền hội phí.

Tiền này cũng tùy phụ huynh ai có điều kiện ủng hộ, gia đình khó khăn thì không. Mức ủng hộ của phụ huynh trong trường chỉ nằm ở khoảng từ 50.000 trở lên, nhiều gia đình không đóng và một số ủng hộ khoảng 200.000 đồng.

Vậy nếu bóc tách số tiền bảo hiểm kia đi, phụ huynh có con vào Tiểu học cũng chỉ phải móc hầu bao chưa tới 200.000 đồng/ học sinh. Với số tiền này, liệu có phải là lớn?

Đúng ra, tiền bảo hiểm của học sinh phải do chính cơ quan bảo hiểm xuống tư vấn, và trực tiếp bán.

Phụ huynh có thể mua ở mọi thời điểm bất kì trong năm phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình của họ. Nhưng nếu làm thế, không có gì đảm bảo 100% học sinh đều tham gia đầy đủ. Vì lẽ đó, công ty bảo hiểm phải dựa vào nhà trường vận động phụ huynh tham gia (vận động theo tinh thần bắt buộc).

Giáo viên trở thành nhân viên bảo hiểm vừa đứng ra tư vấn, vừa quảng cáo sản phẩm để phụ huynh đồng lòng tham gia.

Có trường, giáo viên không phải thu tiền bảo hiểm nhưng việc nhắc nhở các em hàng ngày là điều không tránh khỏi. Cũng có không ít trường học ở khắp nơi còn đưa việc thu tiền vào xếp loại thi đua cho giáo viên cuối năm.

Đã có không ít giáo viên dạy dỗ, tham gia các hoạt động Giáo dục đều xuất sắc nhưng công tác thu không đảm bảo theo quy định 100% học sinh tham gia, đã bị nhà trường hạ điểm thi đua.

Việc tư vấn, bán hộ bảo hiểm cũng mang lại cho giáo viên nhiều phiền toái; đã có không ít giáo viên bị phụ huynh phản ứng khi cứ thúc giục con họ tham gia bảo hiểm:

“Tôi không muốn mua bảo hiểm vì cách phục vụ của bác sĩ đối với bệnh nhân bảo hiểm không mấy nhiệt tình. Thuốc của bảo hiểm cũng không được tốt”…

Rồi họ đưa ra biết bao ví dụ… giáo viên lại trở thành tư vấn viên để cha mẹ các em an tâm mà đóng. Nhưng trấn an phụ huynh bằng cách này cũng chẳng có tác dụng gì khi những thắc mắc của phụ huynh cũng không được giải quyết.

Bởi lẽ vai trò của giáo viên chỉ là bán hộ kì thực cũng chẳng liên quan gì, giá nhân viên bảo hiểm có mặt ở các trường làm công tác thu, họ sẽ biết được những thắc mắc cũng như những tâm tư nguyện vọng của người tham gia bảo hiểm.

Từ đó, có những phản hồi thực tế với cơ quan y tế liên quan để nâng dần phong cách, chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm ngày một tốt hơn.

Tác giả bài viết: Khánh Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok