Giáo dục

Bao cao su trong cặp sách nam sinh: Có nên sợ trẻ hư hỏng?

Hộp bao cao su rơi ra từ cặp sách của học sinh lớp 8 trở thành chủ đề tranh luận của nhiều người lớn xoay quanh câu chuyện giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ.

Theo Tuổi Trẻ, một nam sinh lớp 8 (14 tuổi) làm rơi hộp bao cao su giữa lớp học trước sự chứng kiến của bạn bè và cô giáo chủ nhiệm. Nhà trường lập tức mời phụ huynh học sinh làm việc. Cha mẹ em xấu hổ, vội vàng “đỡ tội” cho hành động của con mình bằng những lời xin lỗi và phân bua.

Phụ huynh giải thích rằng con chưa hiểu biết, học đòi bạn bè, ảnh hưởng bởi phim ảnh, tò mò chuyện người lớn…

Sau ngày hôm đó, bạn bè và giáo viên trong trường bắt đầu có cái nhìn “dè bỉu” em. Phần lớn cho rằng chuyện đem theo bao cao su bên người là “tội lỗi đáng sợ”.

Một lớp học về giới tính. Ảnh: Getty.

Người lớn đang lo điều gì?

Khi biết câu chuyện trên, anh Võ Văn Sinh (42 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi không đồng ý chuyện học sinh đem theo bao cao su đi học. Không ai dạy con mình những chuyện như thế. Tụi nó còn quá nhỏ”.

Chung ý kiến với anh Sinh, chị Chu Hoàng Quỳnh (38 tuổi, quận 3, TP.HCM) khẳng định lứa tuổi học trò còn quá nhỏ để hiểu về quan hệ tình dục. Người mẹ có con trai học lớp 4 cho rằng đó là chuyện tế nhị, biết sớm sẽ làm các em dễ mất tập trung, bê trễ học hành.

Theo cô Nguyễn Thị Vân Anh (giáo viên trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM), các em tìm hiểu chuyện giới tính, tình dục không sai nhưng cô vẫn khó chấp nhận thực tế này.

Khi được hỏi ngược lại rằng bao giờ anh, chị dạy con mình những vấn đề giới tính, quan hệ tình dục an toàn, phần lớn cha mẹ ấp úng, trả lời chưa biết, chưa nghĩ tới.

Việc học sinh lớp 8 bị phát hiện “tàng trữ” bao cao su khiến người ta nhớ lại câu chuyện cặp sinh viên phải nhập viện vì sử dụng bao nylon khi quan hệ tình dục vì ngại đi mua "dụng cụ bảo vệ".

Mọi người tặc lưỡi, chê cười, trách các em thiếu hiểu biết nhưng không ai tự hỏi mình từng dạy kiến thức đó cho con, học trò mình chưa. Biết đâu sau này chính học sinh “lỡ” rơi hộp bao cao su kia sẽ nhận kết quả tương tự nếu hôm nay em không biết cách bảo vệ chính mình.

Người ta vẫn thường nói đừng vẽ đường cho hươu chạy nhưng không ai nói với các em làm thế nào để không chạy sai đường.

Học sinh lớp 7, trường Wellspring (Hà Nội) trình bày quan điểm về giới tính. Ảnh: Quyên Quyên.

'Ở Tây, người ta giáo dục giới tính từ mẫu giáo’

Đỗ Trần Minh Thy (sinh viên Đại học Bristol, Anh) nói tại Anh, trẻ em đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu được học về sức khỏe sinh sản như môn bắt buộc cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Đây không phải sự lựa chọn của giáo viên, phụ huynh hay học sinh, mà được quy định cụ thể.

Đến năm 2015, trong tổng số gần 280.000 ca phá thai, hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên.

Các bài học được hình tượng hóa, đưa vào tranh vẽ dễ hiểu, trực quan, sinh động, giúp các bé biết khác biệt giữa nam nữ, chấp nhận sự khác nhau của giới tính, làm thế nào để vệ sinh cơ thể và quan trọng nhất là cách bảo vệ chính mình trước nạn bạo hành, xâm hại tình dục.

9X cũng cho hay ngay các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Myanmar… bắt đầu áp dụng các phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ em. Thậm chí, một số nước khác còn có những bài học về giới tính thứ ba, dị tính, đồng tính…

Vì thế, trẻ nhỏ hiểu biết về giới tính ngay từ khi còn nhỏ, các em có cách nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, coi đó là kiến thức bình thường và tiếp nhận một cách tự nhiên.

"Khi bước vào tuổi vị thành niên, các bạn trẻ hiểu biết về giới tính", Minh Thy nói.

Bên cạnh những ý kiến phản đối, nhiều người lại cho rằng giáo dục giới tính là cả quá trình dài, cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng trước hết, người lớn cần phải tự cởi trói cho những suy nghĩ của mình. Chỉ khi người lớn thật sự cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc trong việc trả lời những câu hỏi nhạy cảm, con trẻ mới mạnh dạn chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó 2% là ở tuổi vị thành niên.

Tác giả bài viết: Minh Nhật

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok