Giáo dục

Bảng xếp hạng PISA có ý nghĩa gì?

Kết quả kỳ thi PISA do OECD công bố vừa giúp đánh giá mức độ kiến thức, kỹ năng của học sinh, vừa phản ánh chất lượng giảng dạy tại các trường học của từng quốc gia, nền kinh tế.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm một lần để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi.

Trong cuộc khảo sát mới nhất PISA 2015, chỉ hơn 500.000 học sinh đại diện cho khoảng 28 triệu học sinh 15 tuổi đến từ 72 quốc gia và nền kinh tế khác nhau trên thế giới tham gia bài kiểm tra kéo dài 2 giờ.

Theo kết quả mới được công bố ngày 6/12 vừa qua, Singapore xếp ở trí đầu tiên. Học sinh Việt Nam đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng, cao hơn cả các quốc gia Anh, Mỹ, Trung Quốc.

Vậy cuộc khảo sát này được thực hiện như thế nào? Bảng xếp hạng PISA nói lên điều điều gì về chất lượng giáo dục trên toàn cầu?

Quy trình khảo sát PISA

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế bắt đầu hoạt động từ năm 1997 và năm 2000 thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên. Đến nay, 6 cuộc khảo sát được thực hiện.

PISA là cuộc khảo sát để đánh giá hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Ảnh minh họa.

Học sinh tham gia kỳ thi PISA nằm trong khoảng từ 15 tuổi 3 tháng cho tới 16 tuổi 2 tháng, không nhất thiết phải học cùng khối lớp. Những học sinh này phải đến trường, không phải tự học ở nhà.

Kỳ thi PISA chỉ tập trung kiểm tra kiến thứ 3 môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Sau đó, ban tổ chức sẽ sử dụng một thuật toán để tính toán số điểm của các học sinh.

Việc lựa chọn học sinh tham gia kỳ thi được thực hiện thành hai giai đoạn. Trước hết, họ sử dụng một mẫu phân tầng để lựa chọn các trường có học sinh 15 tuổi bằng phương pháp xác suất. Sau đó, mỗi trường sẽ có 35 học sinh được chọn ngẫu nhiên.

Nếu trường không đáp ứng, ban tổ chức sẽ chọn thay thế bằng một trong hai trường đứng gần trường đó nhất trong danh sách. Học sinh được chọn không tham gia thi thì không được thay thế bằng học sinh khác.

Việc làm bài thi PISA từng được làm hoàn toàn trên giấy nhưng giờ đây đã được chuyển sang thực hiện chủ yếu trên máy tính, chỉ một số ít quốc gia vẫn giữ cách thức cũ. Một số người cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng kết quả nhưng OECD khẳng định họ đã tính toán rất cẩn thận.

Đánh giá khả năng áp dụng kiến thức của học sinh

PISA tập trung vào 3 môn học cốt lõi là Khoa học, Đọc hiểu và Toán. Kỳ thi này không nhằm mục đích đánh giá học sinh 15 tuổi liệu có thể nhắc lại kiến thức của các môn học này hay không.

Thay vào đó, PISA đánh giá mức độ kiến thức và các kỹ năng cần thiết của học sinh để tham gia xã hội hiện đại, khi các em gần kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc (hết lớp 9 lên lớp 10).

Tiêu chí cơ bản của kỳ thi PISA là “nền kinh tế thế giới không trao thưởng cho ai hiểu biết nhiều mà trao cho những người có thể vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống”.

Kết quả PISA cho thấy sinh viên ở các nước và nền kinh tế có thu nhập cao không hẳn sẽ có điểm thi cao hơn, minh chứng là Việt Nam đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, cao hơn so với Australia và nhiều nước OECD khác.

Theo báo Jarkarta Post, yếu tố quan trọng để có nền giáo dục tốt và công bằng vẫn là việc quản lý nguồn lực giáo dục và chất lượng giảng dạy.

Bảng xếp hạng tóm tắt kết quả PISA 2015. Ảnh: POSTGraphics.

Phản ánh chất lượng giảng dạy


Theo trang TodayOnline, kết quả PISA còn đưa ra một gợi ý cho các quốc gia nên cải thiện phương pháp giảng dạy.

Singapore đứng ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng bởi chương trình học của Bộ Giáo dục nước này luôn phát triển theo xu hướng xã hội. Điều này giúp các giáo viên có thể cải tiến bài học và áp dụng những phương pháp giảng dạy tốt nhất cho phù hợp với xã hội. Bên cạnh đó, những giáo viên mới vào nghề sẽ được hướng dẫn bởi những người đi trước giàu kinh nghiệm.

Singapore cũng rất quan tâm giáo dục mầm non. Việc chú ý giáo dục sớm và cho trẻ, hướng dẫn các bé học tập theo nhóm, tập trung phát triển các kỹ năng xã hội trước khi tham gia giáo dục chính thức giúp trẻ có nền tảng cơ bản cho việc học sau này.

Theo OECD, ở các nền kinh tế có thu nhập cao, chi tiêu tăng thêm dành cho giáo dục không đóng vai trò quan trọng với kết quả PISA. OECD cũng thừa nhận rằng học sinh nhập cư Singapore, Australia và Canada có kết quả PISA tốt hơn. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của nhà trường chứ không phải họ đến từ đâu.

PISA không phải bức tranh hoàn chỉnh giải thích đầy đủ hay chỉ ra cách thức phải quản lý giáo dục thế nào để học sinh đạt được điểm cao. Tuy nhiên, kỳ thi này cũng giúp các quốc gia nhìn ra sự khác biệt và cải thiện chính sách giáo dục của họ.

OECD cho rằng, những hệ thống giáo dục tốt luôn có một niềm tin rằng tất cả học sinh đều có thể thành công, đồng thời đầu tư cho chất lượng giáo viên. Singapore đi đầu về điều này.

Vì vậy, những yếu tố để tạo ra sự khác biệt là tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên, thu hút nhân tài, trả lương hợp lý và truyền cảm hứng cho giáo viên để họ làm việc với tinh thần tốt nhất.

Tác giả bài viết: Tống Hoa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok