Ban nhạc nữ Moranbong được ví như một biểu tượng cho sự chuyển mình của Triều Tiên theo hướng ngày càng hiện đại hơn.
Theo Business Insider, ông Kim thành lập Moranbong từ tháng 7/2012, ban đầu có 5 thành viên. Ban nhạc thường xuyên xuất hiện trong trang phục bán quân sự, mỗi người chơi một loại nhạc cụ.
Trong ảnh, ông Kim Jong-un cùng vợ, bà Ri Sol-ju (mặc đồ đen), tới chúc mừng ban nhạc trong một buổi trình diễn hồi năm 2014. Ảnh: KCNA/Reuters
Thời điểm ban nhạc ra đời, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA viết: "Ông Kim Jong-un đã lập ra Moranbong theo yêu cầu của thế kỷ mới, được thúc đẩy bởi một kế hoạch hoành tráng nhằm mang đến bước chuyển mình mạnh mẽ cho lĩnh vực văn học nghệ thuật".
Ban nhạc lấy tên theo quận Moranbong ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi đặt đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên và là nơi Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un, có bài phát biểu đầu tiên sau khi kiểm soát thành phố. Ảnh: AP
Theo SCMP, Moranbong có khoảng 20 thành viên. Mỗi cá nhân đều có vị trí nhất định trong quân đội. Vì thế, Moranbong thực chất là một đoàn văn công. Ảnh: AP
Sino NK, nhóm tập hợp các học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử và văn hóa khu vực Đông Bắc Á, cho biết các cửa hàng thường đóng cửa sớm, đường phố vắng tanh mỗi lần ban nhạc trình diễn trên sóng truyền hình quốc gia.
Tại buổi biểu diễn đầu tiên, thành viên Moranbong mặc váy dạ hội, váy ngắn và có sự góp mặt của một số nhân vật hoạt hình Disney trên sân khấu.
Truyền thông quốc gia Triều Tiên mô tả buổi diễn là "độc nhất, đặc biệt và hiện đại". Ảnh: KCNA/Reuters
Hyon Song-wol, trưởng ban nhạc Moranbong. Cô được cho là bị xử bắn năm 2013 vì cáo buộc tự ghi hình cảnh quan hệ tình dục nhưng tái xuất vào năm 2014, xóa tan tin đồn.
Theo Inquisitr, ông Kim từng dành cho cô Hyon nhiều lời tán dương đặc biệt vì những "màn trình diễn choáng ngợp". Ảnh: Reuters/KCNA
Thành viên Moranbong đều là những người biểu diễn chuyên nghiệp, chơi tốt các loại nhạc cụ từ violin, kèn saxophone đến trống hay guitar bass. Các buổi trình diễn của Moranbong thường có sự hỗ trợ của cả dàn nhạc giao hưởng hùng hậu. Ảnh: Reuters/KCNA
Một số tờ báo, hãng truyền thông nước ngoài như Telegraph, Wall Street Journal hay IBTimes còn đặt biệt danh cho Moranbong là "Spice Girls của Triều Tiên". Spice Girls là nhóm nhạc pop Anh gồm 5 thành viên nữ thành lập năm 1994 và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới sau đó.
Dù là ban nhạc có nguồn gốc quân đội nhưng giới quan sát đánh giá phong cách thời trang của Moranbong rõ ràng chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Ảnh: Reuters/KCNA
Moranbong biểu diễn tại rất nhiều doanh trại quân đội, thường hát lại ca khúc My Way của ca sĩ người Mỹ Frank Sinatra, ca khúc chủ đề Gonna Fly Now trong phim Rocky, công chiếu năm 1976 ở Mỹ, cùng các ca khúc tuyên truyền, ca ngợi Triều Tiên.
Để chơi tốt như vậy chỉ bằng cách nhớ bảng tổng phổ nhạc và không cần người chỉ huy đòi hỏi "sự huấn luyện có hệ thống và rất gian khổ", Shirley Cheung, giảng viên cấp cao Hội đồng Đào tạo Hướng nghiệp Hong Kong, nhận xét. Theo Cheung, những bài hát Moranbong trình bày đều ít nhiều giống với nhạc pop Trung Quốc và Nhật Bản những năm 1980. Ảnh: AP
Mùa hè năm ngoái, ở Triều Tiên xuất hiện một số lời đồn về việc Moranbong bị "xóa sổ" do nhóm không biểu diễn suốt nhiều tháng. Người ta cho rằng nhóm đã bị thay thế bởi ban nhạc mới thành lập Chongbong. Tuy nhiên, đến tháng 9, Moranbong xuất hiện trở lại, biểu diễn trước sự chứng kiến của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đoàn đại biểu đến từ Cuba.
Trong ảnh là ban nhạc Chongbong. Ảnh: Business Insider
Tháng 12/2015, Moranbong có kế hoạch biểu diễn ba buổi tại Trung Quốc nhưng bị hủy vào phút chót.
AFP dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao Hàn Quốc tiết lộ ban nhạc quyết định về nước vì áp lực từ chính quyền Trung Quốc buộc họ bỏ đoạn trình chiếu cảnh phóng tên lửa tầm xa trên màn hình sân khấu.
Nhà chức trách Trung Quốc phát hiện cảnh này tại buổi diễn tập, đã yêu cầu ban nhạc cắt đoạn chiếu bởi khán giả theo dõi chương trình đều là khách mời cấp cao, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Moranbong không đồng ý, khiến phía ông Tập cùng các quan chức khác quyết định không tham dự nữa. Bình Nhưỡng phản ứng bằng cách hủy luôn buổi biểu diễn nước ngoài đầu tiên của ban nhạc. Ảnh: Reuters
Tác giả bài viết: Vũ Hoàng