Giáo dục

Băn khoăn với điểm cộng trong tuyển sinh

Chưa năm nào số điểm vào các trường đại học lại cao như năm nay (ngoại trừ các ngành sư phạm có số điểm khá thấp, thật sự để lại nhiều suy nghĩ). Cá biệt có thí sinh đạt 29,35, hay 29,25, thậm chí là 30 điểm vẫn không đậu vào ngành học yêu thích, đó là số điểm nghĩa là điểm của 3 môn đều gần đạt con số tuyệt đối hoặc tuyệt đối.

Đại học Y Hà Nội thống kê có đến 82% thí sinh đạt đầu vào là do nhờ cộng điểm ưu tiên. Hiện tại, công thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cộng 0,5 điểm với Khu vực 2, cộng 1 điểm với Khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với Khu vực 1.

Các trường đại học, học viện khối lực lượng vũ trang là cả một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thí sinh, với những số điểm cao chót vót, có ngành học điểm đến 30,5, tức là trên tuyệt đối.

Thêm lần nữa, câu chuyện điểm ưu tiên vùng miền lại tạo nên một cuộc tranh luận không hồi kết.

1. Đêm qua, cô gái là độc giả nhiều năm liền của tôi từ thuở cuối bậc THCS, nay đã là sinh viên năm thứ ba có trao đổi với tôi xung quanh chuyện điểm cộng cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng cao.

Cô gái kể hiện cô và các bạn đang rất băn khoăn liệu điểm cộng vùng miền có mang lại những bất công hay không trong bối cảnh tri thức ở các thành phố lớn và các khu vực điểm cộng không còn chênh lệch nhiều do điều kiện sống, điều kiện tiếp xúc với kiến thức đã được cải thiện.

Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo có các giải pháp hỗ trợ những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao bằng phương án khác thay vì cộng điểm.

Rất khó khăn cho tôi để có thể giải thích với độc giả của mình, thế nên tôi sẽ kể những câu chuyện mà mình biết.


Do đặc tính nghề báo tôi đi cũng nhiều, nay chỗ này mai chỗ kia. Những năm tháng tuổi trẻ phung phí hết cho những chặng đường, gần như thời gian ở thành phố là rất ít. Bạn bè khi ấy gọi điện thoại bao giờ cũng bắt đầu bằng cụm từ, có ở Sài Gòn không?

Ở miền Tây, tôi đã gặp những gia đình với con lớn lên Sài Gòn làm công nhân, những đứa bé đi học một buổi còn một buổi thì ai thuê gì làm nấy. Của nả lớn nhất trong nhà là cái ti vi cũ, có nhà còn chẳng có tivi. Tôi đã thấy những gia đình hai chị em mang chung một đôi dép, sáng em đến trường thì chị đi chân không, chiều chị đến trường thì đến lúc em nhường dép. Tôi đã thấy những gia đình bố mẹ làm ăn xa, bữa cơm trưa của 5 anh chị em là 1 hột gà đánh nhuyễn chiên với tóp mỡ.

Chuyện cũng không xa xôi đâu, mới đây thôi trong chương trình Mô tô học bổng của nhà văn Nguyễn Đông Thức, tôi đã thấy những cô bé, cậu bé đến trường với một bộ đồ duy nhất, với những căn nhà còn không có vách lành lặn, với chỗ ngủ, chỗ học chỉ là chiếc giường xiêu vẹo.

Ở miền Trung, tôi đã thấy những gia đình anh nghỉ học để nhường sự học cho em, em đi làm công nhân để dành tiền lo cho anh đi học. Tôi đã thấy những bà mẹ những ông bố bạc mặt khi nhận giấy trúng tuyển của con cái mình.

Ở Tây Nguyên, tôi đã thấy những đứa trẻ sau giờ học đi nhặt phân bò khô để bán kiếm thêm, tôi đã thấy những bữa ăn có độn sắn hay những bữa ăn chỉ toàn củ mì.

Ngày tôi còn đi học ở quê, bậc THPT, năm đó lớp 12. Cậu bạn ngồi cạnh tôi chỉ có một cái áo duy nhất, tôi đã kể chuyện này trong tản văn của mình. Có lần ham vui bồng bột, tôi vẽ đầy mực bút bi lên áo của cậu bạn, cậu bạn bật khóc.

Dĩ nhiên là lúc ấy tôi vô cùng hốt hoảng, lại càng hốt hoảng hơn bởi với mình thì có gì đâu trò nghịch ngợm ấy mà sao bạn lại như vậy. Cuối cùng rồi bạn cũng nói, bạn chỉ có mỗi cái áo này. Ba mẹ bạn từ miền Bắc vào nơi đây lập nghiệp, khó khăn lắm mới có chút đất, mà đất trong rẫy thời đó rẻ như cho. Áo quần bạn cũ rồi chật hết, mẹ thương mua cho cái áo. Bạn đi học về là cởi ra phơi phóng cẩn thận cho ngày hôm sau, nhà còn một lũ em.

Bây giờ mỗi lần gặp lại, tôi vẫn hay nhắc câu chuyện cũ này, bạn cười mà tôi cũng cười. Bạn học Đại học Nông lâm, ra trường làm vài năm rồi mở một công ty chuyên về sinh hóa, có mấy mươi công nhân. Lấy một cô vợ, sinh liền 3 cậu nhóc, gia đình đầm ấm, có xe ô tô, có tiền đi làm từ thiện. Chỉ có cuộc sống là khác còn bạn vẫn vậy, nụ cười hiền khô, câu chuyện hiền khô.

Tôi kể những điều trên đây để các bạn trẻ thấy rằng, tôi đồng ý trước kiến thức mọi người đều bình đẳng, nhưng khó khăn thì không phải lúc nào cũng có thể san sẻ cho nhau.

Và trong tầm mắt của mình, của tuổi trẻ này, của giai đoạn này, những bạn trẻ vẫn chưa thấy hết những thân phận trong các mảnh đời mà các bạn trẻ không thể nào hình dung nổi, như tôi đã từng chưa bao giờ mường tượng ra được.

2. Số điểm cao vòi vọi trong đợt tuyển sinh năm nay để lại nhiều suy tư, thú thật là nếu bây giờ tôi có đi thi thì cũng không đủ điểm để đậu. Mặc cho hồi đó những trường đăng ký dự thi, tôi đều đỗ cả, có thể tự hào nói là đỗ cùng lúc 3 trường đại học, tôi yêu thích nghề báo từ nhỏ nên chọn học văn chương của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Có lẽ cũng bởi ám ảnh mấy câu thơ về Văn Khoa mà những ông thi sĩ mộng mơ viết lại.

Nhưng rõ ràng phải đồng tình nỗi ấm ức của những bạn trẻ khi mà họ cũng đã thức trắng đêm, cũng đã dùi mài kinh sử đến mỏi mệt, ở thị thành hay ở nông thôn, ở chốn phồn hoa hay ở nơi tỉnh lẻ thì sự học cũng đều phải cố công gắng sức như nhau.

Bảo rằng ở thị thành có nhiều điều kiện, có trung tâm gia sư trung tâm ngoại ngữ thì cũng đúng. Nhưng một kỳ thi thì cũng quẩn quanh đó bao nhiêu câu hỏi tóm tắt lại những gì đã học trong sách giáo khoa, cũng bấy nhiêu đáp áp thang điểm đã được hội đồng lựa chọn thống nhất kỹ càng.

Cũng tầm này 2 năm về trước, ông Cục phó Cục Khảo thí (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời rất hay về việc cộng điểm trên một tờ báo tôi đọc ấn tượng mãi, có thể gói gọn như sau: “Chính sách ưu tiên cho học sinh khi xét tuyển vào đại học đã được Chính phủ quy định từ nhiều năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thực hiện. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho học sinh, vì những em ở vùng miền núi, nông thôn sẽ không thể có điều kiện học tập tốt như thành phố. Cộng điểm cho các đối tượng cũng là một hình thức đền ơn, đáp nghĩa. Điểm ưu tiên, khuyến khích cũng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này luôn có tranh cãi".

Theo nghiên cứu của Robin Matross Helms (Ngân hàng Thế giới) thì quá trình tuyển sinh dựa hoàn toàn vào điểm thi có nghĩa là thí sinh được so sánh theo cùng một tiêu chí, tuy nhiên như thế nội dung của bài kiểm tra có thể không phù hợp với một số nhóm nhất định, ví dụ, tập trung vào kiến thức hoặc trải nghiệm văn hóa mà họ chưa được tiếp cận.

Vì vậy điểm của những bài kiểm tra đó không đánh giá chính xác kiến thức và khả năng thực sự của thí sinh.

Thứ hai, trên cả sự thiên vị cố hữu trong nội dung của câu hỏi, các kỳ thi có thể không công bằng cho một số nhóm học sinh không có điều kiện tiếp cận với các nguồn lực cần thiết để chuẩn bị đầy đủ cho kỳ thi này. Với các bài thi kiểm tra kiến thức đạt được ở trung học, học sinh ở các trường chất lượng thấp sẽ ít có khả năng thành công hơn những người học tại các trường chất lượng cao.

Cuối cùng, cần xem xét vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy công bằng xã hội. Trên thực tế, do học sinh thiểu số và những học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn ít có khả năng tiếp cận với các trường trung học chất lượng cao so với học sinh khá giả hơn, họ có thể phải phấn đấu nhiều hơn ở đại học và rút cuộc là không thành công lắm trong học tập.

Nếu mục tiêu của quá trình tuyển sinh là tiếp nhận các thí sinh có khả năng tốt nhất và được chuẩn bị tốt cho thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, những học sinh thiểu số không phải là thí sinh có tiềm năng nhất.

Nghiên cứu cũng cho thấy chính những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đại học, không kể đến khóa học và bằng cấp, sẽ có tác động lớn nhất về sự chuyển dịch xã hội và cải thiện tình trạng kinh tế. Vì nâng cao tình trạng kinh tế xã hội của các nhóm có hoàn cảnh khó khăn là mục tiêu phát triển dài hạn quan trọng ở nhiều quốc gia, không nên bỏ qua tác động tích cực hay tiêu cực tiềm năng của các thủ tục tuyển sinh ở các nhóm này”.

Rõ ràng, đây là câu trả lời hết sức thuyết phục cho vấn đề cộng điểm. Nhưng về lâu dài, liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chăng thu hẹp lại nhóm khu vực, đối tượng được cộng điểm và có sự gia giảm về điểm số cộng phù hợp. Và hi vọng, trong tương lai, có thể khoảng cách về vùng miền từ kinh tế đến trí thức được nâng lên tương đương, chúng ta sẽ bỏ hẳn điểm ưu tiên này.

  Từ khóa: điểm cộng , điểm , tuyển sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok