Bán hàng qua mạng đang được nhiều chị em xem là cách kiếm tiền nhanh, hiệu quả. Với những chị em văn phòng công việc nhàn rỗi, việc kinh doanh qua mạng được xem là công việc tay trái "giết" thời gian nhanh nhất. Thậm chí, với nhiều người, bán hàng qua mạng được xem như là thử thách nhưng cũng giúp cải thiện túi tiền dễ dàng.
Tuy nhiên, kinh doanh không hề đơn giản, trái lại còn gặp những tình huống dở khóc dở cười. Kinh doanh qua mạng không lo chuyện tiền nong mặt bằng, chi phí thuê người bán...Tuy nhiên, đổi lại có những chị em đã phải ngậm đắng nuốt cay vì bị lừa ngoạn mục.
Khách hàng bỏ chạy
Hình thức người bán bị lừa thường gặp nhất là người mua yêu cầu chuyển hàng nhưng sau đó cắt đứt liên lạc, không chịu thanh toán tiền mua hàng, phí vận chuyển.
Chị Ngân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa sinh con được 2 tháng. Dù gia đình nhà chồng có kinh tế khá vững nhưng vẫn tranh thủ nghỉ sinh để buôn bán thêm. Vốn ít, kiếm lãi cò con nên chị chủ yếu nhập các loại quần áo, kẹo bánh, đồ ăn vặt của Thái Lan để bán. Khách hàng của chị Ngân không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận nhờ page quảng cáo, tương tác tốt.
Dù đã được cảnh báo nhiều về trường hợp khách quỵt tiền khi mua hàng qua mạng dù nhưng chị Ngân vẫn chủ quan. Chính vì vậy, khi có khách yêu cầu chuyển hàng trước sẽ thanh toán tiền sau đều được chị Ngân đáp ứng. Vài ba lần còn nơm nớp lo sợ khách "bỏ chạy" nhưng tất cả đều thanh toán đúng hẹn. Từ đó, chị Ngân đều tin tưởng khách, gửi hàng trước khi thanh toán.
Khi bán hàng qua mạng nếu tin khách hàng quá mức có thể bị "sập bẫy" (Ảnh minh họa)
Theo lời chị Ngân, cách đây 2 tháng, một nữ khách hàng inbox qua Facebook liên tục yêu cầu đặt hàng nhiều lần với số tiền 2 triệu đồng/lần. Chị Ngân hồ hởi gửi hàng cho khách theo địa chỉ đã cho. Nhưng những ngày tiếp theo, khách hàng này đột ngột "bặt vô âm tín". Sau mấy lần hứa sẽ thanh toán tiền, khách hàng này biến mất hoàn toàn, chặn Facebook. Chị Ngân lúc đó mới ngớ người phát hiện bản thân đã bị lừa.
"Khi cầm địa chỉ trên tay để gửi hàng, tôi đã thắc mắc sao chỉ ghi gần khu vực bến xe chứ không đưa địa chỉ nhà cụ thể. Khách hàng kia ngụy biện là nhà đang sửa sợ gửi đến thất lạc. Tôi vẫn tin nhưng rồi sập bẫy luôn. Nói chuyện qua lại nhiều tháng, tôi chỉ hỏi nơi ở và được biết chung chung là thị trấn, huyện nào chứ không hỏi địa chỉ cụ thể. Giờ con mọn, bận rộn, khách hàng đông, chẳng biết có cách gì để tìm nữa không", chị Ngân chua chát kể.
Cũng lâm vào cảnh tương tự như chị Ngân, chị Thoa ở Tp.HCM gặp phải vị khách tạo niềm tin rất tốt nhưng khi đặt quá nhiều hàng lại tìm cách "cao chạy xa bay". Ngoài giờ làm việc, chị Thoa bán thêm gối tự may, sản phẩm làm rất vất vả theo kiểu thủ công nên có mức giá hơn 200.000/chiếc. Qua Facebook, một khách hàng liên tục đặt chị Thoa số lượng hơn 20 chiếc gối để nhập về bán tại các chợ ở quê. Quá trình này kéo dài hơn 1 năm, chị Thoa cũng không hề đề phòng.
"Vị khách nói trên đặt hàng hơn 10 chiếc gối. Tôi hí hửng gửi như mọi khi. Tuy nhiên sau lần đó điện thoại và Facebook đều không liên lạc được. Tôi không nắm được địa chỉ của khách nên đành chịu mất tiền. Một lần vấp ngã như vậy mới biết cảnh giác hơn. Từ đó, tôi chẳng còn dám gửi hàng trước cho khách nữa. Thay vào đó, khách phải thanh toán toàn bộ hoặc ít nhất 70% số tiền phải thanh toán để đảm bảo không bị mắc bẫy", chị Thoa nói.
Khách đặt hàng cho vui
Nỗi lo với người bán hàng qua mạng không chỉ là những khách "quên" thanh toán đúng hẹn, mà còn có nhiều vị khách thích đặt hàng cho "sướng mồm" nhưng không chịu nhận hàng. Theo lời nhiều người bán hàng có thể đây là kiểu khách nổi hứng mua theo cách không kiểm soát được, cũng có người khi sắp nhận hàng lâm vào cảnh "cháy túi" nên làm ngơ.
Chị Thu (Bán hàng hải sản qua mạng) đã có lần phải "ngậm bồ hòn khen ngọt" ép cả nhà ăn hết 5kg mực tươi. Theo lời chị Thu, khi thấy lời quảng cáo bán hải sản tươi sống trên Facebook, một khách hàng đã đặt trước 5kg với giá 80.000 đồng/kg.
Thấy khách có nhu cầu, chị Thu vội vàng đặt ở quê đưa lên cho kịp. Nhưng khi shipper đưa hàng đến gần nhà, khách hàng tắt điện thoại và chặn Facebook. "Lúc đó tôi không biết làm sao, họ chặn Facebook và điện thoại gần như bó tay. Tôi chỉ biết đưa về cho gia đình ăn. Cả nhà ăn tới 5 bữa mới hết gần như bội thực món mực. Bán hàng chẳng được bao nhiêu, chỉ cần một khách "bùng" kiểu này muốn bỏ cuộc luôn. Bao nhiêu lãi tích góp lại bù cho số hàng khách đặt mà không lấy", chị Thu nói.
Một người bán hàng qua mạng khác tiết lộ, từng có một nữ khách hàng thích dùng hàng hiệu đặt túi xách nhập từ nước ngoài về tự "bùng" vì không có đủ tiền. Dù giá bán của chiếc túi lên đến hàng chục triệu đồng nhưng nữ khách hàng thay đổi ý định và quyết không lấy sản phẩm với đủ lý do từ màu sắc đến túi tiền không đủ.
Người bán hàng này tâm sự: "Khi nghe khách order, tôi phải tức tốc báo sang bên nước ngoài để đặt mua. Mãi gần 2 tháng sau mới có sản phẩm chứ đâu phải trong vài ba hôm. Khi sản phẩm về, khách lại bảo không có tiền rồi chối đây đẩy không muốn lấy nữa. Bán hàng qua mạng lãi cò con, nếu đưa túi về sử dụng bao giờ mới bù được số tiền đã bỏ ra. Tôi đành chấp nhận bán rẻ cho một số shop để quay vòng tiền, nhập hàng mới".
Rõ ràng chị em đang thích thú với bán hàng qua mạng, nhưng với vô số kiểu khách hàng khác nhau, người bán phải luôn tỉnh táo để đảm bảo quyền lợi cho bản thân. Đặc biệt khi liên lạc với khách phải xác định chính xác địa chỉ, nơi ở để có thể truy chính xác nhằm đòi lại tiền khi bị quỵt.
Tác giả bài viết: Thủy Nguyên