Giới trẻ

‘Bạn có ổn không?’ - bài viết thức tỉnh mọi người về căn bệnh trầm cảm của du học sinh 9X

"Nhìn thấy thành công của em, mọi người và mình chúc mừng, khen ngợi em. Nhưng có lẽ cái em cần chỉ là câu nói: 'Mọi chuyện có ổn không, em làm nhiều vậy có mệt không...' Giá như chúng ta tinh ý hơn thì có lẽ em đã không tự làm như vậy".

Càng ngày, những câu chuyện đau lòng về người trẻ (và cả người trưởng thành) tự tử vì trầm cảm đã trở thành một vấn nạn của xã hội. Guồng quay vội vã, gấp gáp, với nhiều áp lực đã biến trầm cảm trở thành căn bệnh ”khó chữa lành”, và người mắc bệnh chỉ có thể gặm nhấm nỗi đau ngày qua ngày, không biết chia sẻ cùng ai.

Ít ai ngờ rằng, cách tốt nhất để giúp một người trầm cảm cảm thấy khá hơn chính là sự quan tâm từ những người khác. Đôi khi, chỉ cần một câu hỏi đơn giản: ”Bạn có ổn không?”, bạn đã có thể cứu sống một người đang bị trầm cảm rồi.

Bài viết dưới đây của du học sinh 9X có tên Lê Đăng Trình đã nhận về sự chú ý rất lớn của cư dân mạng, bởi những chia sẻ thật lòng của cậu xung quanh căn bệnh này, đặc biệt là tác động của nó đối với du học sinh và cộng đồng những người Việt định cư ở nước ngoài - phải chịu áp lực cao hơn người khác vì cuộc sống nơi xứ người lạ lẫm.

Trong bài viết, Trình kể lại một câu chuyện buồn về một người bạn ở Mỹ bị trầm cảm và sau đó tự tử. Trước đó, trong mắt mọi người, thanh niên này vẫn là một người lạc quan, giàu năng lượng… Nhưng cái kết bất ngờ đã khiến nhiều người phải chột dạ: Có phải người đó tự tử, là do không có ai hỏi người đó câu hỏi: ”Bạn có ổn không?”

”Bạn có ổn không?

Trong tuần qua, một người bạn của tôi đã tự tử vì trầm cảm. Anh theo gia đình qua Mỹ định cư cách đây mấy năm. Dù đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, nhưng qua Mỹ anh vẫn học lại community college. Xem như làm lại từ đầu!

Từ ngày qua Mỹ, anh như biến thành một con người khác. Từ dáng vẻ thư sinh mảnh khảnh, anh bắt đầu tập gym, cạo đầu, xăm hình, và học thêm tiếng Anh, tiếng Mỹ. Nhưng bản tính của anh vẫn không đổi, vẫn là con người hoạt bát, lạc quan và không ngừng học hỏi. Anh vẫn hay chia sẻ trên Facebook mỗi khi mình được Employee of the Month (Nhân viên xuất sắc của tháng), hay được nhận học bổng từ trường. Nghe nói mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng.

Trước ngày anh mất, dòng status cuối cùng anh đăng trên Facebook chính là lời bài hát In the End của Linkin Park: “I tried so hard, and got so far. But in the end, it doesn’t even matter. Goodbye”. Mọi người cứ nghĩ đó chỉ là một bài đăng vô thưởng vô phạt, nhưng đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Một cô bạn người Mỹ viết trên tường của anh rằng: “Tớ ước gì mình đã nhìn thấy dòng status này sớm hơn, để có thể nhắc nhở cậu rằng cậu là một con người rất tuyệt vời và xuất chúng. Tớ không hề biết cuộc chiến nội tâm mà cậu đang phải một mình đối mặt, nhưng tớ biết cậu đã rất mạnh mẽ. Yêu cậu!”.

Vâng, trầm cảm là một cuộc chiến nội tâm mà người ngoài ít khi biết được, nhất là nơi đất khách quê người, thiếu vắng bạn bè và người thân. Có những người đi học, đi làm tối mắt tối mũi, không có thời gian cho bản thân, rồi bị trầm cảm lúc nào không hay biết. Khi nhìn thấy những thành quả của du học sinh, những người trong nước có thể tán dương hay ganh tỵ, nhưng họ nào biết những thứ mà anh đã phải đánh đổi? Như một người bạn của anh đã nói: “Nhìn thấy thành công của em, mọi người và mình chúc mừng, khen ngợi em. Nhưng có lẽ cái em cần chỉ là câu nói: ‘Mọi chuyện có ổn không, em làm nhiều vậy có mệt không…’ Giá như chúng ta tinh ý hơn thì có lẽ em đã không tự làm như vậy”.

Đôi khi, những gì chúng ta thấy trên mạng xã hội, hay qua những cuộc đối thoại hàng ngày, chỉ là những lát cắt của một con người. Họ có thể chọn cho thế giới thấy những mặt tích cực, lạc quan, yêu đời. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, biết đâu đấy họ đang phải chống chọi với những dằn vặt nội tâm, với những ẩn ức xa xứ mà đôi khi chính họ cũng không giải thích được. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ câu chuyện này, để mong các bạn đang ở trong tình cảnh tương tự, hãy tự hỏi bản thân, “Mình có ổn không?”, và rồi hãy quay sang những người bạn khác, đang học tập, làm việc và sinh sống nơi xứ người, và hỏi họ rằng, “Bạn có ổn không?”

Ca sĩ tượng Kim Jong Hyun đã tự tử ở tuổi 27 vì trầm cảm

Hy vọng bài viết ý nghĩa này sẽ giúp chúng ta biết quan tâm đến những người xung quanh hơn. Sự quan tâm đó không cần đến từ những gì lớn lao, mà chỉ cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt, vụn vặt mà thôi. Bạn có thể cứu sống được một người, chỉ cần chìa tay ra và hỏi người đó rằng ”Bạn có ổn không?”.

Tác giả: Họa Mi

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok