Giáo dục

Ban cha mẹ học sinh: Đại diện tiếng nói phụ huynh hay 'núp bóng' để lạm thu?

Nhiều ý kiến cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh chính là cánh tay nối dài của nhà trường trong việc đề ra các khoản đóng góp đầu năm.

Trở về sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, chị Minh Nguyệt (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chưa khỏi "choáng váng" về những khoản đóng góp đầu năm học của cô con gái 5 tuổi đang theo học một trường mầm non công lập. Dù con mới học mẫu giáo, song số tiền đóng tự nguyện đầu năm khiến người mẹ này thấy nặng gánh.

Cách đây 2 tuần, dù chưa có cuộc họp phụ huynh nào, đại diện ban phụ huynh đã gợi ý lớp nên mua thêm máy lọc nước, máy in, mực in, giấy... trước khi các con chính thức đến lớp.

Nhiều khoản đóng góp đều thu dưới danh nghĩa "tự nguyện", thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh minh họa)

Dù chia ra, số tiền có thể không quá nhiều cho một hạng mục, nhưng khi gộp các khoản lại thì phụ huynh phải mất 2 - 3 triệu đồng/học sinh.

"Tôi và một số phụ huynh thắc mắc ngân sách cho cơ sở vật chất có, vậy tại sao tiền thiết bị dạy học lại vận động phụ huynh đóng? Câu trả lời nhận được từ ban đại diện là "ngân sách trường eo hẹp, nên phụ huynh tự nguyện đóng góp, mua sắm để con chúng ta được hưởng cơ sở tốt nhất". Nghe xong mà bất lực", chị nói. Chị cũng băn khoăn liệu những khoản thu "ra rả" bài ca đóng góp tự nguyện ấy, nhà trường có "nhúng tay" vào hay không.

Điều khó hiểu hơn cả, hầu hết các đầu mục thu thêm đều liên quan đến việc tu sửa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Phụ huynh này nghi ngại, nếu nhà trường không "bật đèn xanh" thì rất khó để ban đại diện phụ huynh dám tự lên tiếng thu tiền như vậy.

Chỉ tính riêng tiền quỹ ban phụ huynh, chị Nguyệt phải đóng một lần tối thiểu là 500.000 đồng/học kỳ. Trong năm học, nếu "hụt", hay chi quá tay chỗ nào thì lại kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp tiếp.

"Có những khoản quỹ chồng quỹ rất vô lý. Chẳng hạn như đã đóng quỹ phụ huynh lớp rồi lại còn thêm quỹ phụ huynh trường. Cho con học trường công lập vì phù hợp với thu nhập nhưng mức thu tự nguyện quá cao khiến chuyện tài chính đầu năm trở thành gánh nặng. Vì nhiều lý do nên chúng tôi không dám phản đối", chị kể.

Ngay từ đầu năm học, chị Trà My (31 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có con học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn, đã được mời vào một nhóm zalo phụ huynh. Trong đó có ban đại diện cha mẹ học sinh phổ biến các thông tin liên quan.

Chị khá hoảng khi vừa vào nhóm đã thấy cuộc thảo luận sôi nổi vài trăm tin nhắn về những khoản tiền như tiền lắp điều hòa, tiền máy chiếu, rèm cửa, cây trang trí lớp hay tiền thuê người dọn vệ sinh lớp...

"Tôi chưa kịp nhớ hết các khoản vì có quá nhiều đầu mục cần nộp tiền", chị nói. Ban đại diện cha mẹ học sinh còn thông báo, trước hết cần nộp 1 triệu đồng tiền quỹ lớp cho học kỳ đầu tiên. Các khoản còn lại đang bàn bạc, nhưng chị nhẩm tính "số tiền phải đóng lên đến tiền triệu, với hơn chục gạch đầu dòng".

Các khoản thu đều được ghi chú "thu theo sự nhất trí của cha mẹ học sinh" nhưng khi hỏi tại sao sắm thiết bị này thì đại diện ban phụ huynh tiết lộ, cô giáo chủ nhiệm nói trong cuộc họp phụ huynh rằng "máy chiếu lớp này khá mờ, rèm cửa cũng khá cũ rồi".

Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn nêu cao khẩu hiệu kêu gọi "các khoản đóng góp nhằm tăng chất lượng cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu học tập cho các con". Cá nhân chị My dù còn khá băn khoăn với các khoản thu nhưng trong nhóm không ai lên tiếng phản đối nên đành ấm ức tuân theo số đông.

"Trong các cuộc trao đổi, luôn là ban đại diện cha mẹ học sinh gồm 3 thành viên (trưởng ban, phó ban, ủy viên) lên tiếng kêu gọi đóng góp. Ngoài ra, nhóm này cũng không có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm", chị nói. Đồng thời, phụ huynh này cũng cho rằng, nếu ghi là khoản thu tự nguyện thì không thể áp dụng một mức duy nhất mà cần dân chủ hơn.

Lạm thu đầu năm học là câu chuyện muôn thuở chưa tìm được lối thoát. Dù biết có những đầu mục vô lý nhưng phụ huynh đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", nhà trường, giáo viên thì lắc đầu chối "không biết" vì khoản thu tự nguyện được ban phụ huynh trao đổi, thống nhất cùng cha mẹ học sinh.

Cô Đặng Thanh Thảo, giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho biết, lạm thu là câu chuyện không mới, tuy nhiên, luôn là chủ đề nóng được đưa ra bàn luận mỗi năm.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm cũng như quyền hạn của ban đại diện cha mẹ học sinh khi vận động đóng góp các khoản tiền. Hơn thế nữa, bản thân mỗi phụ huynh cũng nên chủ động tìm hiểu các quy định để nắm rõ khoản nào được phép thu, khoản nào cấm thu.

"Nếu hiểu quy định, phụ huynh sẽ có thể tố giác những trường hợp sai phạm, thu tiền trái quy định, từ đó ngăn chặn được lạm thu", cô Thảo nói và khẳng định, ban đại diện cha mẹ học sinh là bộ phận có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình.

Các cơ quan quản lý cần quán triệt và kiểm tra sát sao để ban này không trở thành "bức bình phong" cho lạm thu mà được hoạt động với ý nghĩa vốn có ban đầu.

Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT liệt kê chi tiết 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu không được thu tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tác giả: NHI NHI

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok