Động thái này diễn ra sau khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước và UBND TP HCM làm rõ những nội dung tố cáo của ông Đoàn Văn Đức về bãi rác Đa Phước.
Kết quả thanh tra phải báo cáo Thủ tướng trước tháng 4.
Xem xét lại đơn giá xử lý rác từ khi triển khai dự án. Cần đánh giá một cách khoa học từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đến khi vận hành khai thác dự án. Theo dõi giám sát quá trình thực hiện nghiệm thu đầu vào trong việc thanh toán từng đợt cho chủ đầu tư dự án, có hay không đúng theo hợp đồng.
Xác định giá trị đầu tư theo luật đầu tư nước ngoài và Nghị định 52/1999 về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Điều này Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM (đơn vị ký kết hợp đồng) bị cho là "thiếu sót nghiêm trọng".
Lập tổ công tác với nhiều bộ ngành thanh tra tổng thể bãi rác Đa Phước. Đồng thời, xác định trách nhiệm và quyền hạn của UBND TP HCM về những cam kết trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
UBND TP HCM cho phép Công ty Môi trường đô thị đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) bằng ngân sách. Sau đó, cũng chính UBND TP HCM đóng cửa Phước Hiệp, tạo thế độc quyền tiếp nhận rác cho Đa Phước. Việc làm này được cho là gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách.
Làm rõ căn cứ UBND TP HCM ứng trước cho chủ đầu tư 9 triệu USD bằng ngân sách.
Khu xử lý rác Đa Phước sau khi nhận thêm 2.000 tấn rác của Phước Hiệp đã quá tải, mùi hôi thối phát tán hàng chục km, khu dân cư Phú Mỹ Hưng không chịu nổi. Do vậy cần sớm đóng cửa bãi rác để tránh nhiều hậu quả về môi trường.
Cần có cơ quan giám định độc lập, giám định thiệt hại của người dân, doanh nghiệp do ô nhiễm xuất phát từ khu xử lý rác để buộc chủ đầu tư bồi thường.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố.
Với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước từ đầu năm 2015, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng. Chênh lệch giá được giới chuyên gia về môi trường tính toán TP HCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn mỗi ngày, tức là mỗi năm phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD "và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay là điều vô lý".
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Đến cuối tháng 9/2016, chính quyền TP HCM xác định mùi hôi mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước (huyện Bình Chánh). Đồng thời, cam kết sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện cam kết để dự án thực sự mang lại hiệu quả.
Người sáng lập VWS là ông David Dương, Việt kiều Mỹ. Ông cũng là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty California Waste Solutions (CWS), Mỹ. Website của VWS giới thiệu ông David Dương là chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn dựa trên kinh nghiệm điều hành ba khu liên hợp tương tự tại tiểu bang California.
Trong đơn cố cáo, ông Đoàn Văn Đức nhận mình là người hướng dẫn ông David Dương về Việt Nam đầu tư xử lý rác, giới thiệu ông này cho ông Lê Thanh Hải – khi đó là Chủ tịch UBND TP HCM. Sau đó ông David Dương được thành phố cho đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Tác giả bài viết: Trung Sơn
Nguồn tin: