Vào đầu tháng 4, trên trang cá nhân, nữ ca sĩ Mỹ Linh đã chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc khi một website mạo danh Mỹ Linh - Anh Quân để quảng cáo thuốc xịt chống chứng ngáy ngủ. Nữ ca sĩ này khẳng định đó là thông tin hoàn toàn bịa đặt, đề nghị những người liên quan gỡ bài và xin lỗi công khai.
Hỏi mua nhưng đã hết
Từ trang quảng cáo bán thuốc chống ngáy ngủ đăng trên Facebook, PV liên hệ với ông T. qua số điện thoại 098966…
Ông T. cho biết hiện kinh doanh hai loại thuốc chống ngáy N (của Nhật và Hàn Quốc) với giá mỗi chai là 350.000 đồng và 550.000 đồng. “Thuốc dạng xịt, sử dụng một tuần là hết ngáy ngay. Nếu không hết thì sử dụng thêm chai thứ hai, thứ ba… Tuy nhiên, dùng đến chai thứ năm là dứt ngáy khi ngủ” - ông T. tuyên bố.
Nghe PV hỏi thuốc có được Bộ Y tế cấp phép không, ông ta trả lời với giọng khó chịu: “Anh hỏi rườm rà quá, thuốc đã được cấp phép thì mới dám bán. Hiện giờ tôi hết thuốc rồi, khi nào nhập về tôi gọi điện thoại cho anh”.
PV tiếp tục liên lạc với người khác qua số điện thoại 091622… để mua thuốc chống ngáy hiệu A. “Thuốc này do Thụy Điển hay Thụy Sĩ gì đó sản xuất tôi cũng… không nhớ, giá mỗi chai 480.000 đồng” - người đàn ông tên M. nói.
Theo như quảng cáo, thuốc A có tác dụng sau hai tuần sử dụng, không có tác dụng phụ. Thuốc được chứng nhận của Liên minh châu Âu và của Hiệp hội Dược phẩm Hoa Kỳ.
Bác sĩ BV quận Thủ Đức (TP.HCM) đang khám cho một bệnh nhân bị chứng ngáy khi ngủ. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Không có thuốc trị ngáy
PV đưa hai tên thuốc nói trên đi hỏi BS Dương Văn Tá, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - BV quận Thủ Đức (TP.HCM). BS Tá trố mắt, lắc đầu: “Hôm nay tôi mới nghe tên hai loại thuốc này. Thực tình mà nói chẳng có loại thuốc nào trị ngáy cả”. Theo BS Tá, muốn trị chứng ngáy khi ngủ phải điều trị cả nội và ngoại khoa. “Điều trị nội khoa tức phải có chế độ ăn uống thích hợp để tiêu mỡ, giảm ký. Còn điều trị ngoại khoa là can thiệp phẫu thuật” - BS Tá giải thích.
BS Ngô Đức Minh Huy, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng - BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cũng khẳng định hiện chưa có thuốc điều trị chứng ngáy. “Ngáy ngủ thường xảy ra khi ngủ giấc sâu, ngủ do quá mệt mỏi, hoặc trong cơn say rượu và ngủ ở tư thế ngửa. Mức độ ngáy, âm thanh to nhỏ và dài ngắn khác nhau tùy thể trạng từng người. Ngủ ngáy thường xảy ra ở người lao động thể lực nặng, béo phì, cổ ngắn… Nếu rơi vào những nguyên nhân trên thì không xem là bệnh” - BS Huy nói.
Theo BS Huy, những trường hợp ngáy được xem là bệnh lý bao gồm viêm mũi, phì đại cuốn mũi, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại VA, viêm amidan quá phát… Những trường hợp nói trên khiến đường thở bị cản trở, luồng khí hít vào thở ra qua khe hẹp làm rung niêm mạc và gây ra hiện tượng ngáy.
“Điều đáng lưu ý là người bị bệnh ngáy nặng, kéo dài thường dẫn đến nguy cơ ngưng thở trong giấc ngủ, thậm chí có thể gây tử vong. Đây được gọi là hội chứng ngừng thở trong khi ngủ” - BS Huy cảnh báo.
Cần bác sĩ chuyên khoa can thiệp ThS-BS Phạm Ngọc Trúc Thảo, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng Viễn Nhi (TP.HCM), cho biết ngáy không được xem là một loại bệnh khi người bị ngáy thường do cơ địa báo hiệu người đó đang có những vấn đề sức khỏe cần lưu ý. Có thể là chứng ngưng thở trong khi ngủ, có thể liên quan đến bệnh tim, cao huyết áp hay tiểu đường... Ngoài ra ngáy còn có nguyên nhân từ dị ứng với các dị nguyên như phấn hoa, lông thú... Một lý do nữa cần lưu ý là thuốc lá. Vì thuốc lá là chất kích thích, gây ra sưng mô mềm, người hút thuốc thường dễ bị viêm họng hơn khiến đường hô hấp dễ bị đóng lại vào ban đêm. Nghiên cứu từ Viện Tai Mũi Họng và Phẫu thuật cổ tại Mỹ chỉ ra rằng những sản phẩm hỗ trợ có nguồn gốc dân gian không mang lại hiệu quả đáng kể cho tình trạng ngáy. Vì vậy, người bệnh nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ và can thiệp hiệu quả nhất. Một số loại thuốc có thành phần chứa sodium chloride, glycerol, edetatesodium, potassium sorbate… giúp bôi trơn và làm mềm màng nhầy, phần nào làm khít và săn hệ cơ trong thanh quản khiến hơi thở không bị ngăn trở. Tuy nhiên, nó phải được phối hợp với phương pháp điều trị của bác sĩ dựa trên cơ địa chứ không thể chỉ dùng nó là chữa được chứng ngáy. HÀ PHƯỢNG Ngáy do rung động của các mô ở thanh quản, có thể là một triệu chứng tắc nghẽn của đường hô hấp trên. Sự tắc nghẽn bán phần có thể dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn - tình trạng được gọi là chứng ngưng thở khi ngủ (OSA). Ngáy và OSA khá phổ biến và ảnh hưởng khoảng 15%-50% dân số trên toàn thế giới. Tại Singapore, khoảng 15% người lớn mắc bệnh OSA. (Theo singhealth.com.sg) |
Tác giả: Trần Ngọc
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM