Vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão Khanun đã suy giảm cường độ. 7h ngày 16/10, tâm bão vào vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 190 km, sức gió tối đa còn 75 km/h (cấp 8), giảm hai cấp so với ba tiếng trước.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF. |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do tác động của không khí lạnh mạnh từ phương bắc, hôm nay bão chếch xuống phía tây nam, tốc độ 15 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên biển.
Áp thấp nhiệt đới sau đó đi song song với bờ biển đảo Hải Nam (Trung Quốc), hướng xuống phía nam và tan dần.
Vịnh Bắc Bộ hôm nay có gió mạnh cấp 6-7 (tối đa 75 km/h). Vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6, giật tăng hai cấp.
Mưa to ở Đông Bắc Bộ, nguy cơ sạt đất miền núi
Theo cơ quan khí tượng, không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa từ hôm nay đến hết ngày 17/10 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, lượng mưa 25-50 mm. Riêng Đông Bắc Bộ gồm cả Hà Nội có mưa to (50-100 mm), có nơi mưa rất to trên 100 mm. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100 mm.
Lũ các sông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang xuống, trong đó sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Bưởi, sông Cả ở báo động 1. Hôm nay nước tiếp tục rút, diện ngập lụt do đó sẽ thu hẹp.
Riêng miền núi phía bắc, đợt mưa ngày 9-12/10 đã làm đất hòa nước, mưa tiếp sẽ làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Cơ quan khí tượng cảnh báo sạt lở đất có thể xảy ra tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
Quốc lộ 6 đoạn ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu (Hoà Bình) đã thông tuyến nhưng lưu thông gặp nhiều khó khăn do nước chưa rút hết. Ảnh minh hoạ: Giang Huy. |
Trước đó tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chiều 14/10, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường cảnh báo Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc vừa trải qua đợt mưa lũ kỷ lục nên chỉ cần một đợt mưa với lưu lượng 100-200 mm cũng gây "hậu quả khôn lường".
Ông yêu cầu các địa phương chuẩn bị ứng phó với "tinh thần cao nhất, chủ động nhất", tổng kiểm tra công trình hồ đập, vì qua mùa khô năm 2016 và những trận mưa lớn năm 2017, hồ nào có “bệnh tật sẽ biểu hiện hết”.
Tỉnh Hòa Bình hôm qua đã công bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở đất.
Khanun được cơ quan khí tượng đánh giá là cơn bão mạnh và có đường đi phức tạp. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có không khí lạnh mạnh, Khanun suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới.
Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 2 cơn bão và áp thấp có thể ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ.
72 người chết, 30 người mất tích do mưa lũ Ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến 12/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to, gây ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi. Theo Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, đến 21h00 ngày 15/10, có 72 người chết, 30 người mất tích và 33 người bị thương. Mưa lũ làm trên 200 nhà bị sập, gần 50.000 nhà ngập và 2.300 gia đình phải di dời khẩn cấp; trên 9.300 gia súc và khoảng 300.000 gia cầm bị chết, bị cuốn trôi. Các sự cố giao thông cơ bản đã được khắc phục, chỉ còn một vài tuyến đường vẫn gây ách tắc do sạt lở hay bị ngập như: Tỉnh lộ 166 đoạn Âu Lâu - Đông An ở Yên Bái. Tại Sơn La, đường đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập... |
Tác giả: Xuân Hoa
Nguồn tin: Báo VnExpress