Đoàn công tác UNBND huyện Bá Thước tiến hành công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn qA(Ảnh: Đài truyền hình Bá Thước). |
Theo báo cáo mới nhất ngày 15/4 của UBND huyện Bá Thước, tính đến ngày 14/4, trên sông Mã đoạn qua địa bàn huyện đã có 480kg tôm, cá tự nhiên và 26.057kg cá nuôi lồng, bè (gồm 310 hộ, 433 lồng) bị chết bất thường. Hiện tượng cá chết tập trung vào 4 đợt, đợt đầu tiên từ ngày 15 - 20/3, tại các địa phương gồm: Thị trấn Cành Nàng, xã Ái Thượng, xã Hạ Trung, xã Lương Trung. Đợt 2 ngày 26/3 tại các xã Thiết kế, Ban Công. Đợt 3 ngày 30/3, tại thị trấn Cành Nàng, xã Ban Công. Đợt 4 ngày 4/4, tại các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng.
Trước tình hình trên, sau khi phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh như: Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi thú y kiểm tra, xác minh tại hiện trường, lấy mẫu cá, nước để phân tích, tìm nguyên nhân cá chết, từ ngày 9 – 16/4, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản tại địa bàn. Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra 5 cơ sở sản xuất dọc sông Mã có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, với kết quả như sau:
Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa: Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy đang dừng hoạt động, khu vực bể phơi có một đường ống nhựa D200, dẫn trực tiếp đến hồ sinh học; một đường ống sau máy bơm dẫn đến hồ sinh học, có thiết kế van đóng mở. 02 đường ống này đều lắp đặt không đúng thiết kế kỹ thuật công trình bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, Công ty cam kết sẽ tháo dỡ trước vụ sản xuất.
Công ty sản xuất Thương mại Đồng Tâm TH (khu phố Tráng, thị trấn Cành Nàng), thời điểm kiểm tra đang dừng hoạt động. Tại nhà kho phát hiện đường ống nhựa mềm D50, dài 50m. Giám đốc Công ty thừa nhận dùng để đấu vào máy bơm, bơm xả nước thải sản xuất giấy tồn đọng trong bể thu gom nước thải sản xuất giấy ra sông Mã. Cũng theo Giám đốc, lần xả thải gần nhất vào tối 9/4, quá trình xả khoảng 1 tiếng đồng hồ. Cuối buổi làm việc, Giám đốc đã thừa nhận hành vi trên là vi phạm, nhận trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường cho người dân.
Công ty TNHH tân Thái Thanh (xã Thiết Kế): Qua kiểm tra, phát hiện hệ thống rãnh thu gom nước thải sau sản xuất giấy, chia thành 2 nhánh. 1 nhánh về hệ thống xử lý, 1 nhánh dẫn vào bể ngầm. Theo thừa nhận của cán bộ kỹ thuật Công ty, có một hệ thống dẫn nước từ bể ngầm ra sông Mã, phía cuối có van đóng mở đấu nối với một đoạn đường ống D110, dài 2m, được ngụy trang kỹ càng. Qua làm việc, Giám đốc Công ty thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã mỗi tuần một lần, mỗi lần khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Tại Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Phú Thành (xã Thiết Kế): Qua kiểm tra, đại diện Công ty thừa nhận có xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Mã qua đường ống ngầm D200, nối từ nơi thu gom nước thải sau sản xuất ra sông Mã. Lần xả thải gần nhất vào ngày 11/4. Trong quá trình làm việc, Công ty đã tự tháo dỡ đường ống này và nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm này.
Tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Quyết Duy Tuấn (xã Thiết Kế): Qua kiểm tra, phát hiện tại hồ gom nước thải có 2 đường ống chôn ngầm dưới đất, trong đó, ống D200 dẫn ra hệ thống xử lý nước thải, ống D300 dẫn ra sông Mã, đầu ống đã bị hàn kín, đầu ra ngập nước chưa xác định được vị trí. Ngoài ra còn phát hiện 02 tấm chắn màu đen dưới lòng sông Mã, đoạn giáp Công ty, mỗi tấm dài 10m, rộng 3m, được buộc vào các đoạn luồng có các túi đá nặng để nhấn chìm xuống bùn. Tại một số vị trí trên sông gần Công ty, có hiện tượng sủi bọt nước kèm chất bột màu vàng. Tuy nhiên, đại diện Công ty không thừa nhận hành vi xả thải.
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Quyết Duy Tuấn. |
Như vậy, qua kiểm tra, đã có 3 đơn vị thừa nhận vi phạm xả thải ra môi trường, 01 cơ sở phát hiện hệ thống nghi xả thải trái phép nhưng chưa thừa nhận. Trước tình hình trên, UBND huyện Bá Thước đã có công văn báo cáo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền tham mưu, xử lý thích đáng đối với những cơ sở vi phạm. Trước mắt, căn cứ báo cáo thống kê về thiệt hại của các hộ dân, buộc các cơ sở trên bồi thường thiệt hại cho các hộ có cá chết.
Để sớm tìm ra nguyên nhân cá chết, huyện Bá Thước đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện dọc sông Mã, tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm môi trường, để ngăn ngừa, xử lý các vi phạm (nếu có). Đồng thời, để ổn định tâm lý nhân dân sinh sống dọc hai bờ sông Mã, đề nghị lấy mẫu nước giếng của các hộ dân để phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm. Qua đó công bố cho dân biết và có hướng xử lý kịp thời.
Đối với Công ty Quyết Duy Tuấn, chưa thừa nhận hành vi xả thải, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ để có hướng xử lý phù hợp.
Cùng với các giải pháp trên, nhằm ngăn ngừa rốt ráo, tránh phát sinh thêm các vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện bá Thước đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, dừng hoạt động và thu hồi giấy phép sản xuất đối với hợp phần sản xuất giấy của 04 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Đồng Tâm TH; Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản Phú Thành và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Quyết Duy Tuấn.
Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch Đầu tư giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường di chuyển vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn huyện. Đồng thời không cấp phép cho cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các vị trí dọc hai bờ sông Mã.
Cùng với kiểm tra phát hiện các đơn vị xả thải ra sông Mã và báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp xử lý, giải quyết vụ việc. Trước mắt, để kịp thời giúp người dân ổn định tư tưởng, giảm thiệt hại về kinh tế, huyện bá Thước đã quyết định hỗ trợ số tiền 20.000 đồng/kg cá cho các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại do cá chết.
Như vậy, với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của UBND huyện Bá Thước, vụ việc cá nuôi lồng chết hàng loạt trên sông Mã đã và đang được xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, vấn nạn ô nhiễm môi trường trên sông Mã gây tác hại nặng nề đối với các hộ nuôi cá có được giải quyết căn cơ, triệt để hay không vẫn còn là một câu hỏi. Bởi trên thực tế, dòng sông Mã trước khi chảy qua địa bàn Bá Thước còn qua địa bàn huyện Quan Hóa giáp ranh, nơi cũng có không ít cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Đáng mừng là mới đây, qua kiểm tra của UBND huyện Quan Hóa, bước đầu đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra sông là Hợp tác xã chế biến lâm sản Xuân Dương. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định và UBND huyện Quan Hóa đang tiếp tục kiểm tra các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm tại địa bàn. Nhưng chưa hết, phía thượng nguồn sông Mã, ngoài Quan Hóa còn có nhiều địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh, cũng có thể có không ít cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để trả lại dòng sông Mã trong xanh, lắm tôm nhiều cá, nơi nuôi sống hàng nghìn hộ gia đình làm nghề nuôi cá lồng bè, rất cần có sự chung tay, phối hợp “dọn dẹp” của các cấp, ngành các địa phương có dòng sông Mã chảy qua.
Đáng lo ngại hơn, như một phản ứng dây chuyền, chỉ trong 2 ngày 14 -15/4, trên dòng sông Mã tại địa bàn 3 xã Cẩm Thành, cẩm Thạch, Cẩm Lương thuộc huyện Cẩm Thủy (giáp ranh Bá Thước) đã có tới 24,8 tấn cá lồng của hàng trăm hộ đồng loạt chết bất thường. Hiện tượng cá chết diễn ra rất nhanh, gồm đủ loại từ cá nhỏ đến cá thành phẩm. Cùng với cá chết, nước sông Mã cũng chuyển sang màu đen, bốc mùi tanh hôi nồng nặc.
Trở lại với huyện Bá Thước. Theo ghi nhận của phóng viên, cùng với cá nuôi lồng, các loại thủy sản tự nhiên các loài phù du và cả hến, loài sinh sống dưới tầng đáy sông Mã cũng cùng chung số phận. Thực trạng này cho thấy mức độ ô nhiễm của dòng sông Mã đoạn qua đây là hết sức nặng nề. Do đó, việc phục hồi môi trường sinh thái, tạo sinh cảnh sống cho các loài thủy simh là hết sức khó khăn và cần phải có thời gian lâu dài, trong điều kiện dòng sông không tiếp tục bị “đầu độc”. Theo người dân, sở dĩ mấy ngày nay, không còn tình trạng cá, tôm chết là do chúng đều đã chết sạch đến mức “không còn một mống”. Trước đó, nhiều hộ dân đã tìm mọi cách để cứu đàn cá như di chuyển lồng bè vào các cửa dòng suối hoặc các vịnh ăn sâu vào bờ. Đồng thời dùng máy xục ô xy liên tục, nhưng tất cả đều không tác dụng, nhiều hộ dân hiện đã lâm cảnh trắng tay, nợ nần. Cũng theo các hộ dân, tình trạng cá nuôi lồng chết không phải chỉ có trong thời gian này, mà gần như năm nào cũng xảy ra, nhưng không đến mức “chết sạch sành sanh” như năm nay.
Được biết, nuôi cá lồng là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân các địa phương dọc hai bờ sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tại Bá Thước, nghề này được xem như một trong những thế mạnh trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, trước thực trạng cá chết đồng loạt vừa xảy ra, hiện nay, hầu như tất cả các hộ dân nuôi cá lồng đều bị thiệt hại nặng nề và đang trông đợi sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đền bù của các doanh nghiệp gây ô nhiễm (sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân trực tiếp làm cá chết do xả thải). Đồng thời, có chung tâm trạng chán nản, hoang mang dẫn đến dự định bỏ việc nuôi cá lồng, một nghề từng mang lại cho họ thu nhập ổn định, cuộc sống no đủ từ nhiều năm qua.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng