Giáo dục

Ba câu hỏi lớn về VNEN chờ câu trả lời chi tiết từ Bộ Giáo dục

Đành rằng còn những khó khăn, bất cập phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nhưng không thể nóng vội, không thể duy ý chí, và càng không thể để tư duy...

Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Quốc hội, mô hình trường học mới (VNEN) được Bộ đánh giá là hiện đại, phù hợp với mục tiêu, lộ trình đổi mới giáo dục được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai dự án trên cơ sở khắc phục, rút kinh nghiệm từ những bất cập sau 3 năm thực hiện. [1]

Tuy nhiên, thông tin mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp về kết quả thực hiện thí điểm một mô hình giáo dục mới còn thiếu chi tiết, trong khi thực tế có nhiều biểu hiện ngược lại với đánh giá của Bộ và các cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.

Cán bộ quản lý giáo dục khen VNEN hay, tại sao không ít phụ huynh xin cho con ngừng học theo mô hình ngôi trường mới?

Trong tháng 10, tại Hà Tĩnh có thêm trường học thứ tư bỏ mô hình VNEN là trường THCS Nam Hà thành phố Hà Tĩnh, sau 3 trường THCS Chu Văn An huyện Hương Khê, THCS Nam Hồng thị xã Hồng Lĩnh, THCS Cẩm Trung huyện Cẩm Xuyên.

Lý giải cho quyết định từ bỏ VNEN, phụ huynh các trường này cho biết VNEN có những bất cập như: chất lượng học tập giảm, những em học lực trung bình ngày càng yếu kém.

Những vấn đề liên quan tới sức khỏe như vẹo cột sống, lác mắt khi theo học mô hình cũng được đề cập, theo báo Vnexpress ngày 11/10. [2]

gdvn sach vnen 1
Quang cảnh bên trong một lớp học VNEN ở Hà Tĩnh. Ảnh Lê Văn Vỵ

Tại Nghệ An, thực trạng phụ huynh và giáo viên phản đối mô hình VNEN cũng diễn ra phức tạp không kém, thậm chí ngày 23/8 nhiều phụ huynh đã tập trung đến cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi để phản đối việc cho con em họ học mô hình VNEN, theo báo Nghệ An ngày 25/8. [3]



Cũng tại Nghệ An, trường THCS Hưng Dũng thuộc thành phố Vinh có 290 trong tổng số 316 phụ huynh có con học lớp 9 đã 3 lần làm đơn đề nghị dừng VNEN nhưng quả bóng trách nhiệm cứ đá từ trường lên phòng, phòng lên sở và quay lại. [4]

Mới nhất theo báo Nghệ An ngày 2/11, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã làm việc với lãnh đạo trường THCS Hưng Dũng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, ban giám hiệu, phụ huynh của trường.

Đây là hoạt động trong chương trình khảo sát thực hiện mô hình dạy VNEN trên địa bàn thành phố Vinh, chuẩn bị báo cáo tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh. [5]

Điều kỳ lạ là, trong khi các quan chức quản lý giáo dục từ Hiệu trưởng cho tới lãnh đạo phòng, sở và lên đến bộ đều đánh giá cao mô hình VNEN là phát huy hiệu quả, đạt chất lượng tốt, thì không ít phụ huynh học sinh vẫn kiên quyết xin cho con họ ngừng học VNEN. Đây là một dấu hiệu hết sức bất thường.

Theo tìm hiểu của người viết, những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá về mô hình ngôi trường mới, triển khai và nhận định tính hiệu quả của nó cần phải xem xét lại.

Cụ thể người viết thiết nghĩ, Bộ cần làm rõ mấy vấn đề xung quanh mô hình này.

Câu hỏi thứ nhất, mô hình VNEN là gì và tại sao lại lựa chọn nó?

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình Trường học mới Việt Nam (VNEN) là một thí điểm vận dụng mô hình Trường học kiểu mới của Colombia (Escuaela Nueva, viết tắt là EN) nhằm đổi mới giáo dục phổ thông.

Mô hình này nhằm giải quyết một thực trạng ở Colombia mà Việt Nam cũng gặp, đó là các lớp ghép ở vùng khó khăn, tức là những lớp học mà giáo viên cùng lúc phải dạy cho học sinh thuộc nhiều trình độ khác nhau. [6]

EN được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tìm hiểu từ năm 2008, và đưa về Việt Nam và trở thành VNEN sau một vài chuyến khảo sát của Bộ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học - Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo về mô hình VNEN này.

Theo chia sẻ của bà trên báo Vnexpress ngày 15/5/2016, quan sát những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong dự án VNEN có thể thấy rõ 4 điểm đã bị sai khác so với mô hình EN của Colombia.

Một là, EN là mô hình lớp ghép, quy mô ít học sinh, áp dụng cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của các nước đang phát triển, học sinh còn phải lo cái ăn cái mặc.

Colombia đã rất thành công, nhưng khi sang Việt Nam, mô hình này được áp dụng cho cả khu vực thành thị, các trường lớp có sĩ số đông.

Hai là, tại Colombia giáo viên mô hình EN được tự chủ chuyên môn trong việc phát triển ngữ liệu dạy học để phù hợp thực tiễn, chương trình học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của học sinh và phụ huynh.

Còn ở Việt Nam, nội dung giảng dạy trực tiếp của giáo viên VNEN là ý tưởng hoạch định sẵn của chuyên gia biên soạn Tài liệu hướng dẫn dạy học.

Ba là, trong 4 loại hoạt động của mô hình EN, khi vào Việt Nam thành VNEN thì mức độ thực hành và áp dụng thấp hơn, các bài tập chủ yếu xoay quanh việc tìm hiểu kiến thức và thực hiện các kỹ năng chính của nội dung bài đang học.

Bốn là, ở Colombia, EN găn chặt mối quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng xã hội trên nhiều phương diện, giúp học sinh nghèo nuôi lớn ước mơ, động cơ học tập và tiến bộ bền vững. Nhưng hoạt động kết nối này ở VNEN còn mờ nhạt. [7]

Như vậy theo cách hiểu của cá nhân người viết, EN là mô hình rất thích hợp cho các lớp ghép vùng nông thôn, nơi điều kiện học tập của học sinh còn nhiều khó khăn, nhưng chí ít các em ở độ tuổi khác nhau đó vẫn còn tương đồng về ngôn ngữ.

Sang Việt Nam nếu có triển khai cho các lớp ghép ở miền núi, thì còn phải tính đến yếu tố dân tộc, ngôn ngữ bản địa.

Bởi vậy cho nên, dù mô hình này có thể thành công ở Colombia, được Ấn Độ, Philippines và Brazil áp dụng cũng là do điều kiện cụ thể phù hợp. Còn Việt Nam thì phải xem điều kiện cụ thể có giống các nước trên hay không rồi mới tính chuyện áp dụng.

Ấy thế mà khi sang Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận năm ngoái cũng cho biết, không chỉ các trường trong dự án thực hiện mô hình VNEN mà bây giờ (2015) Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các trường ngoài dự án cũng thực hiện theo cách làm này.

Ông nói rằng, đây là điểm mới ở Việt Nam, nhưng thế giới đã làm cách đây 50 năm và không còn mới nữa.

Thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai dự án VNEN, The New York Times cho biết có khoảng 19 quốc gia trên thế giới áp dụng mô hình EN của Colombia, giúp trên 5 triệu trẻ em nghèo hưởng lợi, trong đó có các nước như vừa nêu trên. [8]

Vậy VNEN có phải là mô hình phù hợp cho nền giáo dục nước nhà đang tiến vào kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hay thực ra đó chỉ là mô hình, sáng kiến phù hợp với một số nước khác chứ không phải Việt Nam?

Thành tựu của EN đã được các tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận, nhưng có phù hợp với Việt Nam hay không và phù hợp đến đâu là một chuyện khác, cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Nếu chỉ là một số kỹ năng của học sinh có được khi học theo mô hình EN phù hợp với học sinh Việt Nam, thì chúng ta nên học tập các kỹ năng ấy, chứ không có nghĩa là "nhập khẩu nguyên khối".

Hoặc giả muốn áp dụng cái hay của EN, thì cần thí điểm phạm vi hẹp đúng nguyên bản của EN, chứ không phải chỉ mỗi cái vỏ "hội đồng tự quản, chủ tịch...". Sau những đo nghiệm và đánh giá khoa học khách quan, chính xác hãy quyết định nhân rộng một cách thận trọng, có lộ trình.

Câu hỏi thứ hai, sách giáo khoa VNEN được xây dựng như thế nào?

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, người viết có thể hình dung rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nhập khẩu nguyên cái vỏ của EN vào Việt Nam để thành VNEN thôi, đó là hành chính hóa tổ chức lớp học thành Hội đồng tự quản, Chủ tịch, Trưởng ban...

Còn cái ruột của VNEN là chương trình đào tạo, thay vì để giáo viên tự chủ như EN, Bộ xây dựng bộ sách giáo khoa VNEN trên cơ sở chương trình hiện hành, tức Chương trình năm 2000.

Lạ lùng hơn nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho các trường học theo mô hình VNEN. [8]

Sở dĩ người viết phải dùng từ "lạ lùng" là vì, như vậy hệ thống sách giáo khoa VNEN không chỉ "đầu Ngô mình Sở", lớp 1 học sách Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại, từ lớp 2 trở đi mới có sách VNEN. Quan trọng hơn là tính xung khắc của hai lối giáo dục này.

Nếu như VNEN đề cao tính sáng tạo của cả người dạy lẫn người học, thậm chí nguyên bản EN thì giáo viên còn được/phải tự chủ nguồn học liệu cho phù hợp thực tiễn, thì Công nghệ giáo dục ngược lại.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại thiết kế một mô hình, và giáo viên cứ thế làm theo, cấm cãi, cấm sửa, dù là một dấu phẩy. Và học sinh học tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục của ông cũng là người thi công, miễn bàn.

tieng viet
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa vào chương trình VNEN.

Đó là chưa kể đến thời điểm triển khai VNEN và thậm chí tới nay, Bộ vẫn đang loay hoay chưa ban hành chương trình sách giáo khoa mới theo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, xương sống của mọi cuốn sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có VNEN phải tuân thủ.

Ấy vậy mà (nguyên) Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển từ tháng 3/2016 đã xác định, sách giáo khoa VNEN sau khi được chỉnh sửa để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018 - 2019. [9]

Như vậy phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm cho mọi thứ rối tung như canh hẹ, chỉ vì nóng lòng muốn đổi mới mà không tìm hiểu kỹ càng, thấu đáo từng bước triển khai thế nào, tác động ảnh hưởng ra sao? Đề nghị Bộ có ý kiến chính thức về những vấn đề này.

Câu hỏi thứ ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào đâu để khẳng định VNEN là "tốt", "hiệu quả", "phù hợp" với nền giáo dục nước nhà?

Muốn biết một mô hình mới tốt, hiệu quả, phù hợp, tiến bộ hơn mô hình cũ hay mô hình hiện hành, cần phải có một quá trình so sánh, tổng kết và đánh giá.

Hiện nay báo cáo chi tiết đánh giá về VNEN chưa thấy Bộ công bố.

Tìm vào cổng thông tin điện tử của Ban quản lý Dự án VNEN để xem VNEN tốt như thế nào, mục Giới thiệu Mô hình trường học mới Việt Nam chỉ thấy nói đến Hội đồng tự quản, sơ đồ tổ chức và quy trình bầu cử mà không có thông tin nào cho thấy lợi ích thiết thực với việc học của các em, việc dạy của thày cô. [9]

Cũng trên trang này, cho đến khi đưa tin hội nghị tổng kết dự án VNEN ngày 27/5/2016 với cái tít khá kêu: "Khép lại một dự án, mở ra những nẻo đường", cũng chỉ lại thấy Hội đồng tự quản, Chủ tịch hội đồng, các ban bệ mà không có số liệu nào về kết quả học tập để so sánh với mô hình hiện hành.

Con số có thể đo đếm được trong bài tổng kết này nằm ở phần cuối, cũng chỉ là những con số về số đầu sách, số tác giả viết sách VNEN, số hội thảo, số ngày tập huấn, số thiết bị dạy học và số trường nhận quỹ ăn trưa. [10]

Vậy thì căn cứ vào đâu để những người làm dự án này có thể so sánh VNEN với mô hình truyền thống hay dở thế nào?

Vì vậy, người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên cân nhắc kỹ việc tiếp tục triển khai VNEN, nên thận trọng, đừng thí điểm hàng ngàn hàng vạn học sinh khi chưa chắc chắn cái mang ra thí điểm có tốt hơn, kể cả trong trường hợp tự nguyện tham gia.

Người viết cũng mong muốn các Đại biểu Quốc hội cần yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình chi tiết, cụ thể về dự án VNEN trước khi quyết định có cho phép tiếp tục triển khai nó hay không?.

Trong thực tế, các cán bộ quản lý, đội ngũ thầy cô giáo các cấp học đã đóng góp rất nhiều trí tuệ, công sức mới có được cơ đồ nên giáo dục hôm nay.

Đành rằng còn những khó khăn, bất cập phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nhưng không thể nóng vội, không thể duy ý chí, và càng không thể để tư duy nhiệm kỳ chi phối.

Đừng để những nỗ lực tìm cách đổi mới nền giáo dục của lãnh đạo ngành lại thành những "trận đánh" đầu voi đuôi chuột.

Người viết cũng rất chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những cái khó riêng nằm ngoài khả năng, quyền hạn của Bộ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục đào tạo, hễ có chuyện gì là Bộ phải đứng mũi chịu sào.

Tác giả bài viết: Hồng Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok