Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của ARF là diễn đàn đối thoại về các vấn đề chính trị-an ninh thuộc quan tâm và lợi ích chung ở châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Các Bộ trưởng ghi nhận các kết quả triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF giúp nâng cao hiệu quả xử lý các thách thức ngày càng phức tạp ở khu vực, nhấn mạnh cần triển khai toàn diện các dòng hành động để thúc đẩy tiến trình ARF.
Hội nghị đã rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ 2015-2016, đánh giá cao các hoạt động của các Nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về giảm nhẹ thiên tai, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Dịp này, Hội nghị đã thông qua danh mục các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017, trong đó Việt Nam sẽ đồng chủ trì Nhóm Hỗ trợ giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải cùng với Úc và Liên minh Châu Âu trong nhiệm kỳ 2017-2020.
Về định hướng tương lai, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, đồng thời phát triển các biện pháp ngoại giao phòng ngừa phù hợp với các nhu cầu của khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố Hà Nội thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF để định hướng ARF là diễn đàn thiết thực và có tính hành động, tăng cường phối hợp đồng bộ và tính bổ trợ giữa ARF với các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt.
Dịp này, Hội nghị đã thông qua một số Tuyên bố các Bộ trưởng ARF, trong đó đáng chú ý nhất là Tuyên bố về thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển theo đề xuất của Việt Nam.
* Tại các Hội nghị, các nước đã dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như tình hình Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, khủng bố, bạo lực cực đoan, an ninh hàng hải, di cư, bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng và tác động sâu rộng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và nhất trí tăng cường hợp tác xử lý các thách thức này. Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, trong đó có việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa. Các nước nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện DOC và sớm đạt COC. Một số nước nêu quan điểm về vụ kiện trước Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982.
* Tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF. Về định hướng thúc đẩy hợp tác trong tương lai, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN+3 cần tập trung hoàn thành các biện pháp còn lại trong Kế hoạch Công tác 2013-2017, dành ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư, kết nối hạ tầng, hợp tác ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, quản lý thiên tai, và an ninh mạng. Trong họp EAS, Phó Thủ tướng đề nghị các nước ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, bảo đảm tiến trình EAS phù hợp với lợi ích và quan tâm của tất cả các nước, ủng hộ kiểm điểm định kỳ các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của EAS và đưa an ninh hàng hải thành một lĩnh vực ưu tiên của EAS. Về ARF, Phó Thủ tướng đề nghị thúc đẩy ARF thực sự chuyển sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa trong khi tiếp tục các biện pháp xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động thực tiễn, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh.
Trong trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo đảm an ninh biển là lợi ích chung của các nước, khu vực và quốc tế. Những diễn biến phức tạp trên thực địa thời gian qua và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc cải tạo, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa, tiếp tục gây quan ngại sâu sắc, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin ở khu vực. Đối với diễn biến vừa qua liên quan đến tiến trình ngoại giao và pháp lý, Việt Nam đã thể hiện quan điểm về Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982. Đoàn ta nhấn mạnh cần coi trọng đối thoại và thương lượng, bước sang giai đoạn mới để ổn định tình hình, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và tinh thần xây dựng; vì vậy, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm tăng căng thẳng; thúc đẩy thương lượng song phương cũng như công việc giữa ASEAN và Trung Quốc về thực hiện hiệu quả DOC, sớm tiến tới COC. Các diễn đàn EAS và ARF có vị trí quan trọng, đóng góp vào việc trao đổi về tình hình, ngăn ngừa xung đột, đề xuất các biện pháp và hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp.
* Sau Hội nghị ARF-23, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Viên-chăn về nước, kết thúc đợt tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan.
Tác giả bài viết: Hằng Phạm
Nguồn tin: