Từ hợp tác sang đối đầu
Mối quan hệ giữa Apple và Qualcomm vốn vẫn “cơm lành canh ngọt” từ nhiều năm trước, cho đến khi Apple ra mắt iPhone 7 và 7 Plus năm 2016. Trước đó, Apple luôn sử dụng chip modem của Qualcomm trên tất cả các thế hệ iPhone của mình, nhưng việc Táo khuyết sử dụng thêm modem Intel cho iPhone 7 và 7 Plus đã làm Qualcomm “nóng mắt”.
iPhone 7 ra mắt tháng 9 năm ngoái với mã A1660, A1661 dùng chip modem của Qualcomm và bán tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, còn dòng sản phẩm mang mã A1778, A1784 thì được trang bị modem của Intel cho các thị trường còn lại. Nhiều thử nghiệm của các website công nghệ hàng đầu cho thấy iPhone chạy modem Qualcomm có hiệu suất tốt hơn so với sản phẩm dùng Intel.
Cụ thể như kết quả kiểm định độc lập từ Cellular Insights cho thấy iPhone 7 dùng modem Qualcomm có tốc độ kết nối 4G LTE nhanh hơn 30% so với modem Intel, và nhanh hơn đến 75% trong điều kiện tín hiệu ở mức thấp nhất.
Apple quyết tâm “đoạn tuyệt” với Qualcomm. |
Apple tất nhiên biết điều đó, và hãng chẳng phải tay vừa khi tiến hành hạn chế năng suất hoạt động của các model Qualcomm xuống ngang tầm với sản phẩm đến từ Intel. Khi bị tra hỏi về vấn đề này, Táo khuyết hồn nhiên trả lời rằng “sự khác biệt giữa hai sản phẩm là không dễ để nhận ra” và... chẳng đưa ra lời giải thích nào cụ thể hơn.
Lý do mà Apple đột ngột “bắt cá hai tay” với cả Intel và Qualcomm nằm ở chính sách phát triển lâu dài của Tim Cook và ban quản trị. Không ai muốn bỏ hết trứng vào một giỏ và bài học nhãn tiền vẫn còn đó khi Apple bị đối tác độc quyền Samsung ép giá màn hình OLED trên iPhone X, khiến mức giá của sản phẩm này tới gần 1.000 USD cao nhất trong lịch sử 10 năm của iPhone.
Việc san sẻ đơn hàng sản xuất modem cho Intel khiến Apple có cơ sở để ép Qualcomm giảm giá. Điều này cũng đem lại lợi ích cho Intel khi mảng sản xuất chip máy tính của hãng này đang bị đe dọa nghiêm trọng do doanh số PC sụt giảm và sức mạnh của các con chip di động ngày càng gia tăng.
Chính thức đoạn tuyệt từ 2018
Nguồn tin từ Wall Street Journal cho biết, Apple sẽ không còn sử dụng bất kỳ model Qualcomm nào trên các sản phẩm iPhone và iPad kể từ năm 2018. Đối tác mới của Apple tất nhiên là Intel và nhiều khả năng cả MediaTek từ Đài Loan nữa.
Động thái này của Apple được coi là hợp lý trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Qualcomm đang ngày càng trở nên căng thẳng, dù Qualcomm mới đây vừa tuyên bố rằng “model dành cho iPhone 2018 của chúng tôi đã thử nghiệm xong và sẵn sàng cung cấp cho Apple”.
Đầu năm nay, Qualcomm bị Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (FTC) cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh công bằng khi chi tiền để các công ty sản xuất thiết bị sử dụng độc quyền sản phẩm modem của mình. Vài ngày sau, Apple đâm đơn kiện Qualcomm đòi bồi thường 1 tỷ USD, số tiền mà Táo khuyết cáo buộc Qualcomm biển thủ của mình để trả đũa việc Apple công bố thông tin cho các cơ quan điều tra.
Qualcomm cho biết, vụ kiện dựa trên các tuyên bố không có căn cứ và cáo buộc Apple đã nói sai sự thật, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ luận điểm của mình đến cùng. Hồi tháng 10 vừa qua, Qualcomm kiện ngược lại Apple với lý do là hãng này đã vi phạm các bằng sáng chế của họ như Force Touch và chức năng quản lý điện năng.
Qualcomm hy vọng tòa sẽ đưa ra tuyên bố ngăn chặn và cấm Apple bán iPhone tại Trung Quốc, nơi chiếm tới 22,5% doanh thu của Táo khuyết trong năm tài chính mới nhất.
Việc Apple từ bỏ sản phẩm Qualcomm từ 2018 hiện mới chỉ là tin đồn, và các chuyên gia phân tích cho rằng để hiện thực điều này không phải đơn giản. Hai vấn đề đặt ra đó là nguồn cung từ Intel và MediaTek khó có thể đáp ứng đủ cho toàn bộ iPhone và iPad, và thứ hai là Apple sẽ phải thiết kế lại linh kiện cho các thiết bị vốn đã được lên khung sẵn để sử dụng modem Qualcomm.
Thị phần modem không dây phần lớn đang nằm trong tay Qualcomm. |
50% thị phần modem không dây đang nằm trong tay Qualcomm, 25% thuộc về MediaTek trong khi Intel chỉ chiếm vỏn vẹn 6%. Giá trị đơn hàng của Qualcomm với Apple trong năm 2016 trị giá 3,2 tỷ USD, chiếm tới 20% sản lượng modem không dây của hãng này. Nếu Apple quyết định “nghỉ chơi” với Qualcomm trong năm 2018, ước tính doanh thu của Qualcomm mỗi năm sẽ giảm khoảng hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, hãng sản xuất chip của Hoa Kỳ vẫn còn một con át chủ bài trong tay áo: họ đang đi đầu trong công nghệ 5G. Khi Intel và các đối thủ còn đang thử nghiệm, thì sản phẩm mẫu dùng modem Snapdragon X50 5G của Qualcomm đã dự kiến có mặt vào nửa cuối năm 2017. Các sản phẩm thương mại đầu tiên tích hợp modem Snapdragon X50 5G thậm chí còn lên kế hoạch ra mắt trong nửa đầu năm 2018.
CEO của Qualcomm là Steve Mollenkopf trong một buổi phỏng vấn mới đây vẫn tỏ ra lạc quan về việc hợp tác với Apple trong tương lai nhờ công nghệ 5G. Ông cho biết, mẫu iPhone sử dụng modem 5G của Qualcomm sẽ được tung ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2019. Tim Cook, CEO Apple cũng bày tỏ hy vọng hòa giải với Qualcomm thay vì tiếp tục lôi nhau ra tòa như hiện nay.
Nhưng hy vọng của các CEO không phải là hy vọng chung của cả hai công ty. Việc Apple ngưng dùng “hàng” Qualcomm trong năm 2018 cũng như việc Qualcomm kiện cáo đòi cấm bán iPhone ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy, cả hai công ty khó có thể bước chung một con đường trong ít nhất là vài năm nữa.
Tác giả: Ngọc Quang
Nguồn tin: Báo Người đưa tin