Vị trí và đường đi của bão số 3. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 10/8, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 năm 2020 và có tên quốc tế là Mekkhala.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách phía Bắc đảo Luzon (Philippines) khoảng 250km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo bão di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 25,0 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông từ 10 giờ ngày 10/8 đến 10 giờ ngày 11/8 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm này đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ 10 giờ đến 22 giờ ngày 11/8, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão với hoạt động của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3-5m. Biển động mạnh.
Theo số liệu về các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận Việt Nam do Tổng cục Hải dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) ghi nhận, trong hơn 70 năm qua, thành phố Đà Nẵng (41 cơn bão) và tỉnh Khánh Hòa (32 cơn bão) có số lượng các cơn bão đi qua nhiều nhất. Tính trung bình, ở hai địa phương này, mỗi năm có một cơn bão trực tiếp đi qua.
Trong thang điểm hiện tại, mức độ cảnh báo được phân cấp từ 1-100, bão mạnh thường có mức cảnh báo từ 45-50. Trong hơn 70 năm qua, thành phố Hải Phòng, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An luôn phải hứng chịu những cơn bão có mức độ cảnh báo rất cao.
Trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng các thông tin về mức độ cảnh báo bão sẽ giúp các nhà hoạch định lựa chọn chính xác các nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương hơn, đặc biệt khả năng chống chịu gió mạnh và mưa lớn./.
Tác giả: Minh Nguyệt
Nguồn tin: vietnamplus.vn