Lễ khai giảng vừa qua, ngay giữa TPHCM, rất nhiều học sinh không được dự lễ khai giảng. Số lượng học sinh quá đông, các trường phải “lọc” đối tượng ưu tiên dành cho các lớp đầu cấp, cuối cấp, còn các khối lớp khác chủ yếu chỉ dành cho các bạn cán bộ lớp.
Em Nguyễn Đức Tiến, học sinh lớp 8 một trường THCS ở quận 1, TPHCM cho biết lễ khai giảng của em là... nằm dài ở nhà, chờ đến chiều đi học như mọi ngày.
Việc học sinh không được dự khai giảng phản ánh một thực tế sĩ số học sinh đang là gánh nặng cho thầy và trò ở trường học. Thầy cô giáo, học trò và không gian học tập của họ đang quá chật chội và ngột ngạt.
Lớp 1/2, Trường tiểu học Hồng Hà, Bình Thạnh, TPHCM có đến 54 học sinh. |
Ngay sau buổi khai giảng, học sinh Trường tiểu học Hồng Hà, Q. Bình Thạnh vào lớp như mọi ngày. Khi bước vào lớp 1/2, ai nấy đều phải choáng ngợp vì bàn ghế xếp sát sạt nhau, các em phải rất khó khăn mới len vào được chỗ của mình. Giữa bục giảng và bàn học sinh chỉ là một khoảng trống rất hẹp...
Lớp học nhỏ xíu phải xếp bằng được 27 bộ bàn ghế cho sĩ số lớp 54 em. Cô giáo cười có chút ngại ngần khi nhắc đến khó khăn của năm học mới bởi nó... đã là vấn đề quen thuộc: áp lực về sĩ số. Một tiết học chỉ 35 phút, lớp có đến 54 em, cô không dám tính thời gian mình có thể dành cho từng học trò...
Lớp 1/3 đối diện, 55 học sinh đang tập viết chữ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thiên Thanh không ngơi nhắc em này ngồi thẳng lên để khỏi gù, em kia ngồi ngẩng đầu lên khỏi cận... nhưng thật ra, cô nhắc nào xuể.
Cô Thanh không than thở, chỉ nói nếu lớp 30-35 em thì việc học sinh vào lớp 1 biết chữ trước hay chưa, chương trình học thế nào... không phải là vấn đề lớn. Còn với quân số học sinh như thế kia, các cô “xoay” để quản lý nổi từng này em trong không gian lớp học chật chội đã là cả một thách thức.
Ở TPHCM, còn có cả ngàn lớn học có sĩ số khủng khiếp như vậy. Khoan nói đến học sinh cần được chạy nhảy, tương tác vận động trong giờ học, mỗi lần các em muốn ra ngoài là bạn khác phải đứng dậy, co kéo bàn ghế... Gần như các em chỉ “nhúc nhích” để ra khỏi không gian đó khi cần đi vệ sinh. Tuy nhiên việc này cũng rất bị hạn chế.
|
Ở nhiều trường học, cũng vì quá chật chội, để bảo đảm an toàn cho các em có quy định, giờ ra chơi học sinh không được chạy nhảy. Nếu chạy nhảy sẽ bị sao đỏ, cán bộ nhắc nhở ngay lập tức.
Chứng kiến những lớp học này, không gian này, mọi so sánh trường quốc tế dạy học thế này, trẻ được dạy học thế kia... dường như đều trở nên kệnh cỡm.
Hỏi sao, các thay đổi như bỏ chấm điểm sang đánh giá, nhận xét; rồi các dạy học theo phương pháp phát triển năng lực cá nhân... nhiều thầy cô phải lắc đầu “Sĩ số đông quá!”. Còn các phương pháp dạy học "thầy đọc trò chép", văn mẫu, dạy học áp đặt... phản giáo dục vẫn được duy trì cũng có phần do áp lực sĩ số.
Hỏi sao thầy cô không thể quan tâm, hỏi han đến từng học sinh như phụ huynh, xã hội kỳ vọng; các cô ít cười với học trò mà dễ cau có, nhăn nhó hơn.
Trong chương trình đối thoại của Hội đồng Nhân dân ở TPHCM về giáo dục, một đại biểu đã thốt lên rằng, ở nhiều trường mầm non, 2 cô giáo đang phải xoay 40 - 50 đứa trẻ. Việc trông chừng, để mắt đảm bảo an toàn cho các em đã khó, trong khi ở lứa tuổi này các con cần được học từ các cô về nhân cách, ứng xử, tư duy, nhận thức....
Áp lực sĩ số, thầy trò đang bị "trói" trong một không gian ngột ngạt, bí bách |
Trong một buổi tọa đàm khác về đạo đức giáo viên, học sinh, mọi người mổ xẻ, phân tích đủ lý do thì ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) thở dài về áp lực sĩ số. Ông nói, một cỗ xe chỉ có hai chỗ mà chở 4 người thì sẽ có hai người rớt dọc đường...
Đã đến lúc thay vì dồn công sức, thời gian, tiền của vào đổi mới chương trình này nọ, thi cử xoay như chong chóng, nhập khẩu chương trình học tiên tiến từ nước này nước khác còn rất mơ hồ..., ngành giáo dục cần tập trung cải thiện những con số có thể đong đếm được. Những con số chính ngành đưa ra trong quy định.
Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh. Nhưng hiện nay nhan nhản các trường “vi phạm” quy định điều lệ. Nói như một giáo viên ở TPHCM, sĩ số học sinh không thay đổi thì các chương trình đổi mới, sách giáo khoa này nọ... chỉ đẹp trên lý thuyết, giấy tờ.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí